Thứ Tư, 09/10/2024 19:27 CH
Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên:
Giúp người nghèo có nghề
Thứ Hai, 12/11/2012 14:00 CH

Từ Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hòa năm 2009, UBND tỉnh Phú Yên quyết định nâng cấp và thành lập Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên trực thuộc Sở LĐ-TB-XH. Qua hơn 3 năm được đầu tư và đi vào hoạt động, dù còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các hạng mục, nhưng trường đã cố gắng tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, giúp người dân, đặc biệt là lao động nghèo có nghề để ổn định cuộc sống.

 

nghe-may121112.jpg

Các học viên đang học lớp may dân dụng - Ảnh: K.CHI

Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Đầu tư Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng, và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế khu vực miền núi, trong đó vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số nội trú là một nội dung quan trọng. Hơn nữa, trường cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, dịch vụ có kiến thức và kỹ năng nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số của 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa, nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế và ổn định xã hội bền vững cho khu vực miền núi; góp phần giải quyết việc làm, tham gia thị trường lao động, có nghề và giảm nghèo.

 

Ông Lê Quang Cảnh, phụ trách công tác đào tạo của Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên, cho biết: Khi có quyết định thành lập, trường đào tạo 5 nhóm nghề chính là: may dân dụng, điện dân dụng, kỹ thuật hàn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và kỹ thuật trồng trọt. Thời gian đào tạo từ 1 tháng đến dưới 1 năm, chủ yếu là cho các đối tượng lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng thời gian qua, trường đã vận động và đào tạo được hơn 1.000 học viên tham gia học nghề. Để có được kết quả này, các giáo viên của trường đã thường xuyên đến các thôn buôn, các hộ gia đình để vận động đồng bào đi học. Ông Cảnh nói thêm: “Đường vào các xã, thôn buôn mùa mưa lầy lội nên đi lại khó khăn, nhưng vì muốn giúp đồng bào có cái nghề để ổn định cuộc sống, các cán bộ, giáo viên của trường đến từng gia đình vận động, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu những lợi ích từ việc tham gia học nghề”.

 

Những ngày này, tranh thủ đang mùa mưa, bà con nông dân có thời gian nhàn rỗi, trường mở 3 lớp may dân dụng, 3 lớp điện dân dụng ở các xã Sơn Nguyên, Sơn Phước, Suối Bạc, Phước Tân và Sơn Hội, mỗi lớp khoảng 25 học viên là các đối tượng được miễn học phí. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên) vốn trước đây không mặn mà với việc học nghề vì chị nghĩ học ở trường nghề chỉ tốn thời gian lại không có ích lợi gì. Nhà chị có hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, còn mấy sào mía không ai chăm sóc nên quanh năm suốt tháng quanh quẩn lo làm, nhưng thu nhập cũng không có bao nhiêu. Nhưng qua 3 tuần theo học ở lớp may dân dụng tại xã, chị Nhung đã rất phấn khởi khi được các thầy cô hướng dẫn tận tình cách may quần áo, có cái nghề để phòng thân. Bây giờ, chị không chỉ muốn học thêm các kỹ năng may mà còn nhiệt tình tham gia vận động bà con trong thôn đến lớp. Còn em Hờ Xuân (buôn Ma Liêu, xã Sơn Nguyên) có thêm cái nghề cũng hồ hởi không kém. Lần đầu tiên làm quen với chiếc máy may, em không khỏi bỡ ngỡ và động tác thì lóng nga, lóng ngóng. Hờ Xuân nói: “Nhà em đông anh chị em lắm, em học đến lớp 6 thì phải nghỉ ở nhà phụ mẹ lo kinh tế gia đình, nên hồi giờ em chỉ biết làm rẫy, trồng mía thôi. Lần đầu tiên được xã, thôn vận động đi học nghề may, em cũng phải thuyết phục mẹ mới được đi”. Trải qua gần 1 tháng học, giờ đây Hờ Xuân đã có thể tự cắt may được những chiếc quần áo đơn giản.

 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền nói: 30 học viên trong lớp may dân dụng này đều là lao động nghèo. Hầu hết họ đều không có nghề, chỉ biết trồng mía, làm rẫy. Những ngày đầu dạy lý thuyết, thực hành cắt may, các chị cũng tiếp thu chậm nhưng nhờ siêng năng, lại chăm chỉ học nên trong một thời gian ngắn, chị nào cũng có thể tự may được những sản phẩm đơn giản. Nhiều chị ham học, ngày nào cũng đến lớp sớm, trưa có khi không về, ở lại để tập đạp, ráp quần áo cho thành thạo. Mặc dù rất bận công việc đồng áng, mùa màng nhưng khi được cán bộ giải thích, bà con ai cũng sắp xếp công việc hợp lý để đi học, khi đến lớp đều ghi chép đầy đủ. Hơn nữa, trường cũng sắp xếp thời gian học hợp lý, mở lớp học gần nhà và gắn lý thuyết với thực hành nên rất thuận lợi.

 

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên, cho biết: Đào tạo nghề đã giúp nông dân có kiến thức, giúp họ tự tin và mạnh dạn đổi mới cách thức sản xuất, giúp họ có nghề nghiệp ổn định, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ học nghề, cuộc sống của nhiều người dân huyện miền núi nghèo Sơn Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng khó khăn trước mắt của nhà trường cũng như chính quyền địa phương vẫn là công tác tư vấn tìm việc làm cho người học nghề sau khi tốt nghiệp.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek