Liên hoan Tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực miền Trung vừa diễn ra tại Phú Yên là dịp để cán bộ ngành Dân số trong khu vực nêu lên những vấn đề DS-KHHGĐ mà các địa phương đang mắc phải và cùng nhau trình diễn tài năng tuyên truyền, vận động người dân tin và thực hiện.
Tiểu phẩm của đội thi tỉnh Kon Tum tại liên hoan - Ảnh: T.DIỆU
NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH
Mất cân bằng giới tính khi sinh (tỉ lệ trai sinh ra vượt quá ngưỡng cho phép so với gái) là tình trạng đang báo động chung của cả khu vực miền Trung. Hầu khắp các tỉnh ven biển trong khu vực đều chịu chung tình trạng này. Tỉnh Khánh Hòa với tiểu phẩm Phòng bác sĩ siêu âm, tỉnh Quảng Bình với tiểu phẩm Anh hiểu ra rồi, tỉnh Quảng Ngãi với tiểu phẩm Lộc vàng, tỉnh Phú Yên với tiểu phẩm Phút giây tỉnh ngộ… đều nêu lên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng sinh con thứ 3 nhằm tìm kiếm con trai cũng là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh thành trong khu vực. Các tỉnh Nghệ An với tiểu phẩm Bến nhà chồng, Ninh Thuận với tiểu phẩm Anh Sáu nữa… là những tiểu phẩm đem lại xúc động cho khán giả khi chứng kiến hoàn cảnh nghèo khó của những gia đình cố sinh thêm con, những mong sẽ có được con trai.
Để lý giải cho hiện tượng này, hầu hết các tỉnh đều xây dựng tiểu phẩm nói về tâm lý chung của người Việt Nam coi trọng con trai. Đàn ông được xem là trụ cột của gia đình gánh vác việc nuôi cha mẹ già, thờ cúng tổ tiên. Đây là nếp nghĩ còn hằn sâu trong tâm lý của người Việt Nam. Gia đình nào không có con trai có thể sẽ bị hàng xóm dè bỉu. Năm 2012 (Nhâm Thìn), được xem là năm sinh con trai như lộc trời cho nên tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh càng trở nên trầm trọng.
Các tỉnh đến từ Tây Nguyên như Kon Tum với tiểu phẩm Vì một ngày mai, Lâm Đồng với tiểu phẩm Thoát nghèo, tỉnh Quảng Trị với tiểu phẩm Chiếc vòng bạc…đã nêu lên thực trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết của một số dân tộc thiểu số sống ở vùng cao các tỉnh.
Trong khi nhiều tỉnh trong khu vực đạt mức sinh thay thế là dưới 2 con, cơ bản đã giải quyết tốt vấn đề về quy mô dân số nên đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số lên hàng đầu. Tỉnh Bình Định với tiểu phẩm Những đứa con khỏe mạnh, xem vị thành niên/thanh niên là nhóm đối tượng chính cần quan tâm, chăm sóc và sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục nhằm tạo ra một thế hệ thanh niên tương lai có hiểu biết và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nói: “Thông qua các tiểu phẩm tham dự liên hoan, tôi nhận thấy mỗi tỉnh thành đều có những vấn đề dân số/KHHGĐ khác nhau cần phải giải quyết. Đây là những nhiệm vụ rất khó khăn, không dễ gì giải quyết trong thời gian ngắn. Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh thành cùng với lãnh đạo các Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cần phải có những chính sách cụ thể định hướng để bộ máy quản lý ngành Dân số địa phương được hoạt động hiệu quả nhất”.
CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ THỂ HIỆN TÀI NĂNG
Với 34 tác phẩm được trình diễn trong liên hoan chia làm hai phần chào hỏi và tiểu phẩm, các đội thi khai thác các làn điệu dân ca đặc trưng của các vùng miền như tuồng chèo, vọng cổ, ví dặm… giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, những thành tựu lồng ghép kết quả trong công tác truyền thông DS-KHHGĐ ở các địa phương giai đoạn 2011-2015.
Tỉnh Quảng Nam khuấy động sân khấu bằng hình thức hô bài chòi truyền thống của địa phương. Qua tiểu phẩm đã lồng ghép khéo léo các mục tiêu quốc gia về nâng cao chất lượng dân số: sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Với những giọng ca ngọt ngào đặc trưng xứ Nghệ, các tuyên truyền viên dân số Nghệ An đã thuyết phục được 500 đại biểu có mặt trong khán phòng về hệ lụy của việc sinh con thứ 3 đối với gia đình và xã hội.
Với tiểu phẩm kịch chặt chẽ về nội dung, tiểu phẩm Thoát nghèo nói về cách thức già làng và cán bộ dân số cơ sở giúp người dân tộc thiểu số thoát khỏi bi kịch tảo hôn và tìm ra con đường tương lai cho con cái bằng con đường đi học đã chinh phục được ban giám khảo. Tỉnh Lâm Đồng xuất sắc được vinh danh cao nhất trong liên hoan Tuyên truyền viên dân số khu vực miền Trung.
Thông qua từng tiểu phẩm dự thi, khán giả tận mắt chứng kiến tài năng của các tuyên truyền viên dân số cơ sở. Họ là những người am hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Mặc dù mức phụ cấp chỉ 50.000 đồng/tháng, nhưng những tuyên truyền viên dân số cơ sở đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng… để tuyên truyền vận động mặc cho những hiểu lầm, chống đối từ phía nhiều người dân thiếu hiểu biết, chưa có kiến thức. “Đất nước đã ổn định được quy mô dân số, nâng cao tuổi thọ bình quân và nâng dần chất lượng dân số một phần là nhờ vào nỗ lực của cán bộ dân số cơ sở”, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nói.
Ông Lê Đức Trung, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, giám khảo liên hoan nhận xét: “Liên hoan thật sự là một hội diễn sôi động mang nhiều thông điệp sâu sắc về công tác DS/KHHGĐ, một nhiệm vụ giúp phát triển xã hội một cách bền vững. Các tiểu phẩm tham gia đều chân thực, tự nhiên và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tuyên truyền viên trong công tác dân số. Những tuyên truyền viên dân số cơ sở đã thật sự nhập vai như những nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu. Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp của các tác phẩm tham dự liên hoan lần này”.
Những vấn đề tồn tại trong công tác DS-KHHGĐ đã được tuyên truyền viên dân số cơ sở trình bày thông qua hình thức tiểu phẩm. Họ thể hiện là những tuyên truyền viên dân số am hiểu về chính sách dân số và khéo léo trong cách truyền thông, thuyết phục. Tài năng của họ xứng đáng được hoan nghênh. Mục tiêu dân số quốc gia về nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2011-2015 càng có cơ sở để tin tưởng sẽ thực hiện kịp thời, thắng lợi và thành công là nhờ vào nhiệt tâm của đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở.
DIỆU ANH