Thứ Hai, 07/10/2024 22:24 CH
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Danh:
Hoạt động công chứng góp phần cải cách hành chính, cải cách tư pháp
Thứ Sáu, 02/11/2012 13:01 CH

Công chứng là một hoạt động bổ trợ tư pháp. Với những hoạt động của văn phòng công chứng (VPCC), công chứng viên thời gian qua, hoạt động này đã góp phần cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Để hiểu rõ hơn một số vấn đề hoạt động công chứng được cộng đồng quan tâm, phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên.

 

cong-chung121102.jpg

Hoạt động công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.THẢO

* Ông cho biết vai trò của hoạt động công chứng ở Phú Yên đối với xã hội trong thời gian qua?

 

- Trước khi Luật Công chứng có hiệu lực, ở Phú Yên, việc công chứng, chứng thực do Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp) cùng với UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: chưa phân biệt rõ ràng về hoạt động công chứng và chứng thực; tổ chức công chứng theo mô hình công chứng nhà nước do ngân sách Nhà nước bao cấp; sự quá tải về công chứng, chứng thực tại Phòng Công chứng số 1 và UBND cấp huyện không đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân, tổ chức.

 

Từ khi Luật Công chứng ra đời và Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có hiệu lực từ 1/7/2007 đã giải quyết cơ bản những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực công chứng, chứng thực; kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường hoạt động tư pháp hướng về cơ sở, đã giao thẩm quyền cho cấp xã thực hiện công tác chứng thực. Đặc biệt là cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực tiếp cận hệ thống tư pháp của nhân dân được xác định trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020”.

 

Có thể nói, hoạt động công chứng trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng, chứng thực của nhân dân. Ngoài ra, các VPCC ra đời đã giải quyết cơ bản gánh nặng bao cấp của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên chế...; phục vụ kịp thời cho nhu cầu công chứng của tổ chức, công dân, đảm bảo quan hệ dịch vụ bình đẳng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; minh bạch hóa, đơn giản hóa trình tự, thủ tục công chứng, phát huy tính chủ động, tích cực của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, loại bỏ lối làm việc bàn giấy, độc quyền của công chứng viên.

 

* Theo ông, những yếu tố nào đánh giá một công chứng viên giỏi, một VPCC uy tín?

 

- Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng quy định các tiêu chí, yếu tố để đánh giá một công chứng viên giỏi, VPCC uy tín. Tuy nhiên, để đảm bảo việc công chứng các hợp đồng, giao dịch an toàn, không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, công chứng viên, ngoài việc phải am hiểu sâu và tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động công chứng, còn phải am hiểu nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… và các quy định cụ thể liên quan đến công chứng. Đồng thời phải bảo đảm khách quan, trung thực; tuân thủ quy tắc hành nghề công chứng; phẩm chất, đạo đức tốt.

 

Ngoài ra, để tạo uy tín đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, văn phòng công chứng phải thực hiện đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động công chứng, thu phí công chứng; các hợp đồng, giao dịch phải được công chứng an toàn, đúng pháp luật; không gây phiền hà; trụ sở phải khang trang và chuyên nghiệp…

 

* So với yêu cầu trên, hoạt động công chứng ở Phú Yên hiện nay còn có những hạn chế, bất cập gì, thưa ông?

 

- Nếu như trước đây ở nước ta chỉ có một mô hình tổ chức công chứng duy nhất là công chứng Nhà nước thì sau khi Luật Công chứng ra đời có hai mô hình tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng do Nhà nước thành lập và VPCC do các công chứng viên đầu tư thành lập. Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của VPCC, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, tuy đã có quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 18 VPCC, nhưng việc mở VPCC là do tự nguyện; nguồn đào tạo công chứng viên để mở rộng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh còn thiếu, nên khó có thể đẩy nhanh việc xã hội hóa hoạt động lĩnh vực công chứng đều khắp tại các địa phương, nhất là các huyện miền núi.

 

Luật Công chứng mở rộng nhiều đối tượng miễn đào tạo, tập sự hành nghề công chứng để bổ nhiệm công chứng viên, trong đó nhiều đối tượng ít am hiểu chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chứng đã dẫn đến nhiều trường hợp công chứng viên khi công chứng hợp đồng, giao dịch còn lúng túng, hoặc công chứng không phù hợp quy định của pháp luật. Thực trạng cho thấy, trong những năm qua nguồn công chứng viên ở các VPCC trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang, chưa được đào tạo, tập sự nghề công chứng, chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề nên chất lượng của một số công chứng viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

* Ttheo ông, giải pháp nào để khắc phục những bất cập này?

 

- Để khắc phục những bất cập trên, theo tôi cần có chính sách cụ thể để động viên, khuyến khích việc đào tạo công chứng viên và chính sách hỗ trợ về địa điểm, tài chính đối với các công chứng viên tự nguyện đăng ký thành lập VPCC nhất là tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tăng cường hơn nữa nhận thức của xã hội về vai trò của công chứng. Ngoài ra, Luật Công chứng cần điều chỉnh theo hướng hạn chế đối tượng miễn đào tạo, tập sự hành nghề công chứng và bắt buộc định kỳ bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng đối với công chứng viên.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THÙY THẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek