Thứ Ba, 26/11/2024 08:46 SA
Nỗi lo hàng lậu độc hại
Thứ Sáu, 02/11/2012 07:55 SA

Trước việc áo ngực xuất xứ từ Trung Quốc có dị vật gây tức ngực cho người sử dụng vừa mới phát hiện ở nhiều nơi trong nước lại dấy lên sự lo ngại cho người tiêu dùng. Điều làm người tiêu dùng thêm lo lắng là các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm trong việc làm rõ dị vật đó có tác hại thế nào đến sức khỏe của họ và ai đứng ra giải quyết thiệt hại cho họ. Đây không phải là lần đầu, hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc làm cho người tiêu dùng phải bận tâm. Cách đây không lâu, rộ lên thông tin trái cây Trung Quốc có chất bảo quản độc hại; còn trước đó là sữa có chất gây ung thư, đồ chơi nguy hiểm, thiết bị công nghệ thông tin có chứa mã độc…, làm cho người tiêu dùng nước ta càng lo ngại về hàng hóa có xuất xứ từ nước láng giềng phương bắc này.

Trong cơ chế thị trường, không ít tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu kém chất lượng, hàng độc hại. Về mặt xã hội, hành vi của người sản xuất kinh doanh hàng hóa dỏm này là vi phạm luật pháp và làm tổn hại đạo đức xã hội cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Nguy hại hơn nếu những loại hàng dỏm này lại là hàng nhập lậu. Vì hàng lậu kém chất lượng hoặc độc hại thường đi đôi với giá rẻ chẳng những khiến sản xuất trong nước khốn đốn mà người tiêu dùng bị thiệt hại cũng không thể biết đâu mà khiếu nại để được giải quyết bồi thường.

Thời gian qua, Chính phủ và các ngành chức năng đã đấu tranh rất quyết liệt với hoạt động gian lận thương mại nhưng hàng lậu vẫn luồn lách tràn vào thị trường nội địa. Những hoạt động buôn lậu đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi và càng tăng lên nhất là vào các dịp lễ, tết. Thực tế, mấy năm qua do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhất là lạm phát tăng cao, đời sống của người lao động thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn, cộng với tâm lý ham hàng rẻ và hàng ngoại nên hàng nhập lậu kém chất lượng vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Mặc dù đã hơn 1 năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1/7/2011), nhưng đến thời điểm này, theo nhìn nhận của các chuyên gia thì luật này vẫn chưa phát huy hiệu quả thiết thực từ việc nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, cũng như phòng chống những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để ngăn chặn hàng lậu nói chung, hàng kém chất lượng, hàng độc hại nói riêng, trước hết, Nhà nước cần đổi mới các chính sách và cơ chế chống buôn lậu. Nên xử phạt nặng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76 (có hiệu lực từ tháng 9/2010) quy định mức xử phạt cao đối với hành vi buôn lậu thuốc lá đã tạo hành lang pháp lý có tác dụng răn đe trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Điều này cần được áp dụng đối với mặt hàng khác, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng lậu cần phải được đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, rộng khắp. Nếu công tác này được làm tốt ngay từ vùng biên giới thì sẽ hạn chế rất lớn hàng lậu xâm nhập vào thị trường nội địa.

Và điều có tính quyết định là sự sáng suốt của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm hàng hóa. Nếu người tiêu dùng luôn thường trực tinh thần cảnh giác đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc sản xuất từ những nơi không có uy tín thì hàng lậu kém chất lượng hoặc độc hại sẽ không còn “đất” sống.

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek