Tháng 10/1999, nhiều hộ được UBND thị trấn Phú Lâm (huyện Tuy Hòa cũ) giao đất để xây dựng nhà ở (nay thuộc đường Đoàn Thị Điểm, khu phố 1, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Mặc dù, tiền sử dụng đất đã nộp đầy đủ, đất cũng được đo đạc giao cho các hộ dân xây dựng nhà nhưng đến nay vẫn còn 16 hộ dân ở đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.
Một góc đường Đoàn Thị Điểm, khu phố 1 (phường Phú Lâm) - Ảnh: V.TÀI
NỖI LO ĐẤT KHÔNG CÓ GIẤY TỜ
Theo phản ánh của nhiều người dân ở đường Đoàn Thị Điểm, thay vì được cấp GCNQSDĐ, nhiều hộ dân ở đây chỉ nhận được giấy xác nhận quyền sở hữu nhà ở do Chủ tịch UBND phường Phú Lâm ký để tiện việc đăng ký hộ khẩu. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến bà con vô cùng bức xúc.
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, một người được giao đất ở đường Đoàn Thị Điểm giãi bày: “Năm 1999, gia đình tôi được UBND thị trấn Phú Lâm cấp lô đất có diện tích 100m2 với giá 60 triệu đồng. Sau khi đóng tiền đầy đủ, gia đình tôi được giao đất cất nhà, nhưng 13 năm qua, vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Trong khi đó, gia đình đang cần vốn để kinh doanh, nhưng khi cầm giấy xác nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp đến ngân hàng thế chấp vay vốn thì ngân hàng không cho vay, muốn chuyển nhượng lô đất này nhưng không ai dám nhận bởi không có GCNQSDĐ”.
Cùng chung tình cảnh với bà Thủy, hộ ông Trần Quang Tuyến ở bên cạnh cũng được chính quyền địa phương giao lô đất với diện tích 100m2. Ông Tuyến lo lắng: “Đất ở của chúng tôi đã được UBND thị trấn xác nhận là đất không có lấn chiếm, tranh chấp. Nhưng chúng tôi vẫn lo lỡ nhà mình nằm vào vùng quy hoạch, Nhà nước cần thu hồi làm đường hay làm các công trình xã hội khác thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng có thể sẽ gây phiền toái, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi nếu không có GCNQSDĐ. Hiện tại, chúng tôi muốn thế chấp đất vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng không được vì chưa có GCNQSDĐ”. Ông Trần Quang Tuyến cho biết thêm, trước khi được giao đất, cán bộ địa phương hứa sẽ làm xong thủ tục và cấp GCNQSDĐ. Thế mà 13 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không được cấp GCNQSDĐ. Hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, không biết bao nhiêu lá đơn khiếu nại được gửi đi nhưng vẫn không thấy hồi âm”.
PHẢI CHỜ XÁC MINH, ĐIỀU TRA!
Từ nỗi lo của các hộ dân này, phóng viên Báo Phú Yên đã có buổi làm việc với UBND phường Phú Lâm để tìm hiểu sự việc. Qua đó được biết, năm 1992, khu đất này được giao cho UBND thị trấn Phú Lâm quản lý để làm bến xe. Đến năm 1999, UBND thị trấn Phú Lâm quy hoạch làm khu dân cư để cấp đất cho người dân có nhu cầu về nhà ở. Theo đó, mỗi lô đất có diện tích 100m2 được chính quyền thu tiền sử dụng đất 60 triệu đồng. Sau đó, UBND thị trấn tiến hành thu tiền của người được giao đất làm hai đợt. Đợt 1 thu 18 triệu đồng vào ngày 22/10/1999, với nội dung thu tiền san ủi mặt bằng. Đợt 2 thu 42 triệu đồng vào ngày 21/3/2007 với nội dung thu là ủng hộ ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Phó chủ tịch UBND phường Phú Lâm cho biết: “Việc giao đất cho các hộ dân là căn cứ vào kế hoạch quy hoạch khu dân cư và được sự nhất trí của Đảng ủy, UBND thị trấn Phú Lâm nhiệm kỳ trước và được Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lâm lúc ấy là ông Đặng Hữu Ký ký. Tôi chỉ là người tiếp quản mới, nhưng chúng tôi sẽ rà soát, xác minh từng trường hợp cụ thể để có thể cấp GCNQSDĐ cho các hộ đã được giao đất”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ địa chính phường Phú Lâm cho rằng: “Ở đoạn đường Đoàn Thị Điểm, những hộ chưa được cấp GCNQSDĐ thuộc vào hai diện. Một là, những hộ có đất ở do cấp có thẩm quyền cấp. Hai là, những hộ có diện tích được cấp trái thẩm quyền. Với những hộ được cấp đất có thẩm quyền, tức là nhận đất và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước, thì việc cấp GCNQSDĐ không vướng bất kỳ một thủ tục nào! Còn những hộ được cấp đất trái thẩm quyền, tức những hộ không nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước mà do UBND thị trấn Phú Lâm thu vào ngân sách địa phương thì việc chưa cấp GCNQSDĐ là đúng. Mặt khác, do họ chưa có đầy đủ hồ sơ để đề nghị cấp GCNQSDĐ nên chúng tôi chưa có cơ sở giải quyết”.
Rõ ràng, nếu UBND thị trấn không giao đất thì người dân làm gì dám xây dựng nhà ở. Nghĩa là làm gì có việc cấp đất trái thẩm quyền?! Khi được hỏi về số tiền thu được trong việc hợp pháp hóa giao đất ở đường Đoàn Thị Điểm được sử dụng vào việc gì thì chính quyền địa phương cũng không giải thích được và đổ lỗi cho lãnh đạo ở nhiệm kỳ trước?
Vì vậy, trong khi chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì những hộ được giao đất vẫn ngày đêm ngóng chờ được cấp GCNQSDĐ. Trong khi đó, đã có một vài hộ trong số những người đã được giao đất ở khu vực này không hiểu làm cách nào mà đã được cấp GCNQSDĐ càng khiến người dân nghi ngờ có sự khuất tất! Do đó, các cơ quan chức năng của TP Tuy Hòa và UBND phường Phú Lâm cần có phương án giải quyết phù hợp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.
VĂN TÀI