Tại cuộc Tọa đàm diễn ra sáng 20/10 ở Hà Nội, Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tọa đàm diễn ra sáng 20/10 tại Hà Nội - Ảnh VPG |
Tọa đàm do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt
Tọa đàm tập trung thảo luận và đưa ra các biện pháp để phát huy vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước, xác định rõ vai trò, vị trí của bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Phía các đại biểu quốc tế có bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các Đại sứ, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam tới dự.
Phát biểu tại cuộc Tòa đàm, Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Là một trong 6 quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc hình thành bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đó là Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt
Kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Liên Hợp Quốc đã công nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hoàn thành sớm một số Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu giảm nghèo, giáo dục và cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Việt Nam cũng được công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á. Với chính sách của Đảng, Nhà nước và với những nỗ lực của bản thân, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua khó khăn, vươn lên để có những đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực và xây dựng gia đình tiến bộ.
Hiện nay, phụ nữ chiếm hơn 48% trong tổng lực lượng lao động có việc làm và ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc có trả công; khoảng cách giới trong các cấp học phổ thông dần được thu hẹp; tỉ lệ phụ nữ trong Quốc hội xếp thứ 40 trong tổng số 188 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 2 trong 8 nước ASEAN có nghị viện; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những đổi mới, cải tiến về nội dung, chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của mỗi giới…
Năm 2011, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá đứng thứ 58 trong tổng số 138 quốc gia được xếp hạng.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bên cạnh những thành tựu đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và thách thức trong thực hiện bình đẳng giới. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính điều này đã phần nào hạn chế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Tỉ lệ phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cần xóa bỏ định kiến về giới
Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam, cần xác định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phụ nữ và phải có mô hình tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ để thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới; nghiên cứu mở rộng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ra các cơ quan không thuộc Chính phủ.
Chúng ta đã có Luật bình đẳng giới, có chiến lược, chính sách chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên chúng ta không đạt được mục tiêu về số phụ nữ tham gia công tác quản lý vì chưa vượt qua được những định kiến ở một quốc gia phương Đông rằng phụ nữ không làm được những việc mà đàn ông làm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần xóa bỏ những định kiến, thiên kiến về giới trong suy nghĩ, văn hóa và hành động ở mỗi cá nhân, trong gia đình, công sở và ngoài xã hội, nhằm tạo điều kiện phát triển thuận lợi và bình đẳng hơn nữa cho phụ nữ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, trước mắt, cần quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực nữ cũng như triển khai thực hiện tốt hai văn bản quan trọng được Chính phủ ban hành gần đây là: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Đồng thời thúc đấy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo chinhphu.vn