Làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị? Tại buổi hội thảo Nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ ĐBQH và HĐND, nữ quản lý, lãnh đạo các cấp do Hội LHPN tỉnh tổ chức mới đây, có nhiều ý kiến nêu lên thuận lợi, khó khăn của phụ nữ và đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tạo cơ hội cho chị em tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.
BÀ TRẦN THỊ MINH CHÁNH, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI: “Thay đổi nhận thức về tham mưu công tác cán bộ nữ”
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia công ước CEDAW, các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bình đẳng giới rất đầy đủ, tuy nhiên tỉ lệ nữ tham chính ở nước ta không cao. Hiện nay, cán bộ nữ là đảng viên, được đào tạo chuyên môn chiếm tỉ lệ khá cao, trong khi tỉ lệ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo lại rất ít. Tôi thấy đây cũng là sự thiếu công bằng. Chúng ta nên thoát ra khỏi nhận thức cũ rằng phụ nữ luôn tự ti, an phận, bởi tôi thấy thế hệ đội ngũ cán bộ trẻ bây giờ vừa có tri thức, vừa tự tin và năng động. Tôi nghĩ cần phải có sự đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ nữ của mình. Cần phải có chính sách bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ để có một đội ngũ cán bộ nữ như mong muốn… Theo tôi, muốn nâng cao tỉ lệ cán bộ nữ tham chính, trước tiên cơ quan lãnh đạo cao nhất, nhất là người làm tham mưu công tác cán bộ nữ phải thay đổi về nhận thức. Trong các cơ quan tổ chức làm công tác cán bộ trong các khối Đảng, chính quyền nên chăng có một bộ phận nghiên cứu về công tác cán bộ nữ. Nếu không cứ làm chung chung như lâu nay thì sẽ khó mang lại kết quả cụ thể.
* BÀ ĐẶNG THỊ KIM CHI, CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH: “Thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ”
Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu trong việc thực hiện công tác cán bộ nữ và nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ ĐBQH, HĐND, cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo các cấp cũng như trong việc giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho các cấp ủy đảng. So với những nhiệm kỳ trước, tỉ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 tăng hơn. Tuy nhiên, tiếng nói của phụ nữ so với nam giới còn hạn chế. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị, như định kiến giới vẫn còn tồn tại; cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ nữ chưa có tính chiến lược lâu dài; thiếu các chính sách phù hợp tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lãnh đạo, quản lý; gánh nặng trách nhiệm về gia đình và nuôi dạy con cái… Để nâng cao năng lực cán bộ nữ, theo tôi cần tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Cần chú trọng công tác xây dựng quy hoạch cán bộ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ, có sự rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch về cán bộ nữ để đảm bảo chất lượng, tỉ lệ. Cần thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ để thực hiện có hiệu quả và tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý.
* ÔNG ĐẶNG LÊ TIẾN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ: “Bản thân người phụ nữ cần nỗ lực phấn đấu vươn lên”
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ ĐBQH, HĐND, nữ quản lý, lãnh đạo các cấp, theo tôi cần tập trung vào các giải pháp như: nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về giới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ hoạch định chính sách các cấp, các ngành của tỉnh. Người đứng đầu và các cấp ủy đảng cần chú trọng thực hiện tốt việc tuyển dụng, lựa chọn cán bộ nữ, thực hiện tốt công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo là nữ giới với các chỉ tiêu cụ thể lẫn những giải pháp thực hiện. Cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cấp ủy đảng, chính quyền phải có bộ phận đầu mối tham mưu về công tác cán bộ nữ. Bản thân người phụ nữ cần phải nỗ lực phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội, nhất là vai trò trong quản lý lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền…
* BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB-XH: “Thực hiện bình đẳng về tuổi trong đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ”
Để nâng cao trình độ cho cán bộ nữ, theo tôi cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, quan điểm về việc nâng cao trình độ cho cán bộ nữ nói chung và nữ ĐBQH, HĐND, nữ lãnh đạo các sở, ban, ngành trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nói riêng. Việc tuyên truyền nội dung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước gắn với việc thực hiện kế hoạch bình đẳng giới của tỉnh và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp cần được đẩy mạnh. Công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ hoạch định chính sách các cấp, cần phải xác định công tác đào tạo cán bộ nữ trong chiến lược chung về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Đảng. Việc bình đẳng về tuổi trong đào tạo và bổ nhiệm cần thực hiện để tiến dần đến bình đẳng trong thực hiện về tuổi nghỉ hưu cho đối tượng nữ. Các chính sách ưu tiên cho cán bộ nữ trong lĩnh vực đào tạo cần được thực hiện tốt. Cần tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo từng giai đoạn.
NGỌC DUNG (Thực hiện)