Chủ Nhật, 06/10/2024 13:34 CH
Nghề công tác xã hội: Những kết quả bước đầu
Thứ Sáu, 19/10/2012 09:00 SA

Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) là một chủ trương lớn của tỉnh được các ngành đã và đang triển khai nhằm hỗ trợ các nhu cầu xã hội về lao động, học hành, chữa trị bệnh cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

 

truong-niem-vui121019.jpg

Cộng tác viên CTXH tổ chức trò chơi và phát quà cho các em học sinh khiếm thính Trường Niềm vui - Ảnh: T.MINH

NHU CẦU HỖ TRỢ XÃ HỘI

 

Theo thống kê, Phú Yên hiện có hơn 300.000 người đang được và cần hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số của tỉnh. Trong đó, có hơn 19.000 người khuyết tật; 2.500 trẻ mồ côi; 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 89.000 người cao tuổi; hơn 100.000 người thuộc diện hộ nghèo; 30.000 đối tượng chính sách ưu đãi người có công và hơn 100.000 người phải sống trong vùng thường xuyên xảy ra bão lụt thiên tai, lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn cần sự cứu trợ kịp thời của xã hội. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ lang thang cơ nhỡ, ma túy, trộm cắp, tội phạm... Tất cả những đối tượng và hoàn cảnh nêu trên đều cần có sự can thiệp giúp đỡ của người làm nghề công tác xã hội.

 

Nhu cầu thì rất lớn, thế nhưng để đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên thì còn rất khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh hiện có hai cơ sở bảo trợ xã hội, một cơ sở chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, một trung tâm công tác xã hội trẻ em, một cơ sở giáo dục chuyên biệt trẻ khuyết tật và ba nhà cứu trợ trẻ em tàn tật. Các cơ sở này hiện đang nuôi dưỡng chăm sóc, chữa bệnh cho trên 300 đối tượng yếu thế. Số nhân viên tham gia công tác xã hội tại đây 72 người. Ngoài ra ở các địa bàn dân cư hiện nay còn có một lực lượng cộng tác viên, nhân viên CTXH không chuyên trách ở các ngành, đoàn thể với khoảng hơn 600 người. Tuy nhiên, số người này hầu hết không được đào tạo bài bản, thiếu chuyên môn về nghề CTXH, lại kiêm nhiệm nên hiệu quả trong việc hỗ trợ xã hội cho các đối tượng cần giúp đỡ chưa cao.

 

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

 

Trước nhu cầu thực tế, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2012”, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn và mỗi năm ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, nhiều nhiệm vụ được triển khai và đã có những kết quả bước đầu.

 

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức và các tầng lớp nhân dân hiểu về nghề CTXH và nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay đối với nghề CTXH. Qua công tác tuyên truyền đã giúp các đối tượng yếu thế trong cộng đồng tiếp cận và biết sử dụng dịch vụ CTXH, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả CTXH trên địa bàn tỉnh.

 

Tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH là nhiệm vụ bước đầu triển khai có kết quả. Năm 2011, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức bốn lớp tập huấn ở 9 huyện, thị xã, thành phố về nội dung trên cho hơn 300 cán bộ ở các lĩnh vực: công tác thương binh, xã hội, dân số - gia đình - trẻ em, hội chữ thập đỏ... cấp xã, phường, thị trấn. Đây chính là nhân viên kiêm nhiệm, cộng tác viên CTXH ở cơ sở. Ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, nhận xét: Qua lớp tập huấn, cán bộ, nhân viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng về CTXH, có khả năng giải quyết và ứng phó những vấn đề, tình huống xã hội diễn ra trong cuộc sống; giúp đỡ các đối tượng xã hội gặp khó khăn như: Người già neo đơn, người khuyết tật, người vô gia cư, trẻ em mồ côi, đối tượng nghiện ma túy, mại dâm... đưa ra hoặc tư vấn cho họ các dịch vụ xã hội chăm sóc, phục hồi giúp họ sớm trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng.

 

Một số phần việc khác được các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai như: Khảo sát đối tượng, chuẩn bị cơ sở để mở lớp đào tạo hệ trung cấp nghề CTXH để đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách 36 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên CTXH. Mỗi xã bố trí một cán bộ CTXH với mức phụ cấp bằng với mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ; tổ chức học tập kinh nghiệm ở các địa phương phát triển mạnh nghề CTXH...

 

Ông Nguyễn Văn Binh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Các nhiệm vụ phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương theo kế hoạch năm 2012 đã được các đơn vị tiếp tục triển khai. Riêng Sở LĐ-TB-XH đã dự thảo quy định tạm thời chức danh, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của nhân viên CTXH cấp xã, phường, trị trấn trình Bộ LĐ-TB-XH xem xét để áp dụng trong thời gian tới. Đối với công tác tập huấn, trong năm 2012 sẽ hoàn tất chương trình cơ bản về nghề CTXH cho 36 cán bộ, nhân viên CTXH ở 36 xã được chọn thí điểm.

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek