Những năm gần đây, trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có việc nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, ở một vài địa bàn dân cư, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn xảy ra.
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích đối với trẻ em Phú Yên - Ảnh: K.CHI
Tai nạn thương tích trẻ em thường do tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngã… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho trẻ. Đa phần những vụ tai nạn thương tích của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn của trẻ và thiếu quan tâm sâu sát của người lớn. Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, tai nạn thương tích ở trẻ của Phú Yên do đuối nước là cao nhất. Còn nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ em là do thiếu kiến thức trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em của nhiều bậc phụ huynh; kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc và của chính bản thân trẻ chưa đủ để tự bảo vệ trước những hiểm họa bị xâm hại. Trong khi đó, vai trò bảo vệ chăm sóc trẻ em của cộng đồng, trường học chưa được coi trọng; một số cấp ủy và chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác trẻ em, chưa có sự đầu tư thích đáng cho công tác trẻ em trước mắt cũng như lâu dài.
Để tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra, điều cốt yếu là phụ huynh cần quan tâm hơn đến hoạt động của trẻ, nhất là những dịp nghỉ. Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên khuyến cáo: Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, cần giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn cho trẻ. Với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, phụ huynh cần giám sát chặt chẽ quá trình vui chơi của trẻ. Đặc biệt, để phòng tránh tai nạn thương tích, nhất thiết ngôi nhà phải có cửa, cổng chắc chắn ngăn cách với ao, hồ, đường đi; ao hồ gần nhà phải có hàng rào bao quanh, giếng và dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy an toàn; tay vịn cầu thang, ban công, cửa sổ phải có chấn song chắc chắn… Không để trẻ ở nhà một mình khi trẻ còn quá nhỏ, thiếu kiến thức phòng vệ bản thân. Khi phát hiện trẻ bị tai nạn cần có cách xử lý phù hợp, đồng thời sớm đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa. Phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn mỗi khi trẻ tiếp xúc với nguồn nước như ao, hồ, sông, bể bơi. Giúp trẻ tránh xa các tác nhân gây bỏng như không cho trẻ chơi đùa gần bếp, gần các thiết bị điện. Bếp nấu ăn nên đặt ở vị trí cao, khi nấu ăn không nên cho trẻ đến gần. Những món sôi nóng cần để xa và cao khỏi tầm tay trẻ. Cách tốt nhất trẻ nhỏ phải luôn được người lớn chăm sóc mỗi khi trẻ ăn, ngủ, chơi đùa hay di chuyển. Bên cạnh đó, giáo dục, trang bị cho trẻ em những kiến thức để tự bảo vệ mình cũng là việc làm cần thiết mà các bậc phụ huynh nên lưu tâm.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 30 trẻ em bị chết do tai nạn thương tích, chủ yếu là chết do đuối nước. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mới 12/16 mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt 75% kế hoạch năm, nâng tổng số mô hình này đã xây dựng tại 87 xã, phường, thị trấn trong số 112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. (Nguồn Sở LĐ-TB-XH) |
KIM CHI