Chủ Nhật, 06/10/2024 19:31 CH
Phát triển nghề công tác xã hội:
Cơ hội trợ giúp các đối tượng yếu thế
Thứ Hai, 15/10/2012 14:30 CH

Sự cần thiết và vai trò của nghề công tác xã hội (CTXH) là không cần bàn cãi. Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, để nghề CTXH trở thành nghề được xã hội thừa nhận như bao nghề khác cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó không thể thiếu công tác tuyên truyền.

 

CTXH121015.jpg

Nghề công tác xã hội rất cần thiết trong việc giúp các đối tượng yếu thế - Ảnh: T.QUỚI

MỚI MẺ NHƯNG CẦN THIẾT

 

Các chuyên gia đều có chung nhận định, nghề CTXH ở Việt Nam là rất cần thiết do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và những tác động của quá trình đổi mới. Thêm vào đó là sự gia tăng số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội... Tất cả những vấn đề này đòi hỏi cần phải có một đội ngũ người làm nghề CTXH chuyên nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại.

 

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cả nước hiện có hơn 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ giúp xã hội và hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp, nghiện ma túy, bị bệnh hiểm nghèo… Đây chính là những đối tượng cần sự trợ giúp của đội ngũ làm nghề CTXH. Tuy nhiên, hiện chỉ có đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH kiêm nhiệm. Do không có chuyên môn và những kỹ năng cần thiết về CTXH nên hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững.

 

Cùng với đó, nhận thức về nghề CTXH còn rất mới mẻ. Cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp...

 

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB-XH trong vòng 5 năm tới, cả nước cần khoảng 8.500 người chuyên làm CTXH (đạt tỉ lệ một cán sự CTXH chuyên nghiệp/10.000 dân). Cùng với đó số lượng cán bộ bán chuyên nghiệp khoảng 25.000 người và khoảng 150.000 cộng tác viên cấp xã.

 

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

 

Nghề CTXH phát triển sẽ mở ra cơ hội trợ giúp nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, đối tượng bị nạn bạo hành gia đình… giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.

 

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đề án Phát triển nghề CTXH đưa ra trong giai đoạn này là tăng cường công tác tuyên truyền song hành với một số vấn đề cụ thể như: Xây dựng và ban hành mã ngạch, bậc lương, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; đào tạo lại cán bộ, nâng cao năng lực công tác xã hội; thí điểm mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH... Ông Nguyễn Văn Hồi, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định: Trên thế giới, nghề CTXH đã có quá trình phát triển gần 100 năm, nhưng ở nước ta lại là mới. Là một nghề mới, do vậy, trong bối cảnh hiện nay truyền thông, nâng cao nhận thức về nghề CTXH được xác định rất quan trọng, là một trong bốn hợp phần chính của đề án.

 

Ở Phú Yên, thực hiện Đề án nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, hàng năm UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Năm 2012, tỉnh đã ban hành kế hoạch với tổng kinh phí đầu tư hơn 746 triệu đồng cho 7 nhiệm vụ: Truyền thông nâng cao nhận thức về nghề CTXH; xây dựng áp dụng ngạch bậc lương và các chế độ phụ cấp; đào tạo lại cán bộ, nhân viên CTXH; tập huấn nâng cao năng lực CTXH; tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng ban đầu; phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH; học tập trao đổi kinh nghiệm.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất lưu ý đối với công tác truyền thông: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vai trò vị trí của CTXH, giúp các đối tượng biết cách tiếp cận và sử dụng dịch vụ CTXH. Nêu ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án phát triển nghề CTXH; những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, điển hình trong thực hiện đề án... Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của xã hội được nâng lên góp phần phát triển để CTXH trở thành một nghề được công nhận”.

 

Một số nội dung trọng tâm của Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2015:

 

- Xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH.

 

- Bố trí, sắp xếp lại và tăng số cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH từ 35.230 người lên 40.000 người. Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 đến 2 cán bộ, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

 

- Xây dựng 20 mô hình thí điểm trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH để trợ giúp các đối tượng.

 

- Đào tạo, đào tạo lại và tập huấn cho 50% số cán bộ, nhân viên CTXH cấp xã, phường, thị trấn…

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek