Hiện nay, Phú Yên có hơn 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, bị xâm hại có nhu cầu được người khác nhận nuôi hoặc cần tạm thời tách ra khỏi gia đình cha mẹ đẻ. Bên cạnh đó số trẻ thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo còn rất cao ở nhóm dân tộc thiểu số và tại các vùng khó khăn cũng cần được trợ giúp.
Cán bộ bảo trợ xã hội hướng dẫn kỹ năng cho trẻ khuyết tật - Ảnh: K.CHI
Trong giai đoạn 2001-2010, các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã có sự chăm lo của toàn xã hội nên hằng năm giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là đến nay, sự biến động số lượng nhóm trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ bị xâm hại, bạo hành đang có xu hướng tăng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực bảo trợ xã hội đối với trẻ em còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Theo định hướng bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt do Bộ LĐ-TB-XH đề ra, mỗi tỉnh cần xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội; có đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng đến năm 2020 tập trung vào các nội dung cơ bản: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi thông qua hình thức gia đình, cá nhân nhận nuôi; bảo đảm trẻ em khuyết tật được chăm sóc, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; trẻ em là nạn nhân của thảm họa, thiên tai được trợ giúp xã hội và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho trẻ tại nơi cư trú; cung cấp dịch vụ chăm sóc bán trú cho trẻ khuyết tật, thực hiện chức năng chăm sóc khẩn cấp đối với trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt. Bên cạnh đó, có các hoạt động hỗ trợ trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em nghèo đa chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội và hòa nhập cộng đồng. Theo đó, từ năm 2011-2015, phấn đấu chỉ tiêu hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 2%; gắn giảm nghèo với đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển. Hỗ trợ trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em nghèo đa chiều tiếp cận giáo dục, các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác. Hỗ trợ học nghề, tìm việc làm theo khả năng và nhu cầu của thị trường lao động. Nghiên cứu mở rộng chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội; phát triển nghề công tác xã hội để trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, phục hồi chức năng cho trẻ em bị rối loạn tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và có tác dụng phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, trẻ em bị mắc bệnh tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh Phú Yên đã ban hành chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu 80% trẻ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập và được hưởng các dịch vụ công cộng, 90% trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc. Giảm tỉ lệ trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang; giảm tỉ lệ trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm tiếp xúc với chất độc hại; giảm tỉ lệ trẻ em vi phạm luật pháp...
Ông Trần Ngọc Trắc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Hiện nay, tỉnh đang triển khai các mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, chăm sóc trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tư vấn tham vấn trợ giúp các em về đời sống lúc khó khăn, trợ giúp về y tế và tiếp cận các phúc lợi xã hội khác dành cho trẻ em. Trợ giúp trẻ em có đời sống khó khăn, giúp các em tiếp cận giáo dục nếu bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học; trợ giúp các lớp hướng nghiệp, dạy nghề và giúp đỡ các em tự tạo việc làm khi đến tuổi lao động; đồng thời tiếp cận các dịch vụ xã hội khác dành cho trẻ em. Trong trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục ở gia đình, nơi lao động có thể trợ giúp chuyển gửi nơi khác và kết nối các dịch vụ trợ giúp khác, kể cả trường hợp phải tách trẻ em tạm thời ra khỏi gia đình cha mẹ đẻ, tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế, trợ giúp gia đình chăm sóc thay thế lần đầu khi nhận trẻ...
HOÀNG LÊ