Đời sống của một bộ phận phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, các cấp Hội LHPN đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống.
Nhiều phụ nữ có cuộc sống ổn định nhờ các dự án phát triển các làng nghề truyền thống của Hội Phụ nữ - Ảnh: N.DUNG
TỪ VAY VỐN XÓA NGHÈO…
Chị Đoàn Thị Sương ở thôn Phú Khánh (xã Hòa Tân Tây, Tây Hòa) không chồng, lại một mình nuôi hai con nhỏ. Để lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày, chị tất tả đi làm thuê khắp nơi, nhưng khó khăn thiếu thốn vẫn bao quanh cuộc sống ba mẹ con. Thấu hiểu hoàn cảnh khốn khó của chị, Hội LHPN xã Hòa Tân Tây đã tạo điều kiện cho chị vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ số tiền này, chị mua một con bò về chăn nuôi. Ngoài ra, hội còn tạo điều kiện cho chị vay 2 triệu đồng từ tổ tiết kiệm để gầy dựng gánh hàng rong bán cá thịt, rau củ cho bà con trong thôn. Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự chịu thương, chịu khó của bản thân, chị không những trả được tiền gốc lẫn lãi mà còn cất được căn nhà ngói khang trang. Cuộc sống của mẹ con chị Sương không còn túng thiếu ngặt nghèo. Chị Sương bày tỏ: Nếu không có sự giúp đỡ của các chị trong thôn, trong xã, mẹ con tôi không thể có được ngày hôm nay.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tân Tây Lê Thị Hoa nói: Đời sống chị em ở địa phương còn nhiều khó khăn, muốn cải thiện phải có vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán… Thế nên Hội LHPN xã luôn cố gắng tạo điều kiện để chị em nghèo vay vốn tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Qua chị Hoa, chúng tôi được biết ở xã Hòa Tân Tây không chỉ có chị Sương mà còn có các chị Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Tuyết… cũng thoát nghèo nhờ vào vốn vay xóa đói giảm nghèo.
…ĐẾN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ KHÁC
Bên cạnh việc khai thác các nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo, các cấp hội còn tạo điều kiện cho chị em ở các làng nghề vay vốn phát triển nghề truyền thống. Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh, từ năm 2008 đến nay, các cấp hội đã khai thác gần 7,5 tỉ đồng, tạo điều kiện cho trên 600 hộ vay phát triển kinh tế gia đình thông qua các dự án khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống ở các huyện: Tây Hòa, Tuy An, Phú Hòa, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa…
Không chỉ đẩy mạnh công tác liên tịch với ngân hàng để đưa các nguồn vốn tín dụng đến với phụ nữ nghèo, các cấp hội còn đặc biệt chú trọng đến việc huy động vốn sẵn có trong chị em để chủ động vốn tại chỗ, tránh tình trạng đi vay nặng lãi lúc khó khăn. Với mức đóng góp từ 10.000-50.000 đồng/người hoặc nhiều hơn, các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm xét hoàn cảnh thành viên nào khó hơn sẽ cho mượn hoặc vay trước với lãi suất thấp để tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Thông qua phong trào tương thân tương ái, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình dưới các hình thức như vần đổi ngày công, bán chịu giống cây trồng, vật nuôi, cho mượn tiền, vàng…, đã có nhiều phụ nữ thoát nghèo, cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của phụ nữ là thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn. Thời gian qua, cùng với sự góp sức của các cấp các ngành, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm giúp hội viên phụ nữ cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ cuối tháng 9 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền Đề án 295 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Theo đó, Tỉnh hội sẽ tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ cho trên 1.500 người ở 29 xã thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng di dời, giải tỏa ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TX Sông Cầu. Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, trên 70% lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; nâng tỉ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%, trong đó tăng nhanh tỉ lệ lao động nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề; tỉ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%; thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho phụ nữ hàng năm, trong đó khoảng 50% lao động nữ được đào tạo nghề.
DUYÊN HẢI