“Con muốn có tiền để mua quần áo mới đi học”, đó là mong muốn của hai chị em Nguyễn Thị Kim Tú, học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Trung Kiên và Nguyễn Thị Kim Huê, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Xuân Đông, Đông Hòa).
Chị Nguyễn Thị Sen và các con đau đớn với tai nạn thương tâm của anh Tuấn - Ảnh: Đ.DỰ
Tú và Huê là hai trong số năm chị em có thành tích học giỏi trong nhiều năm liền vừa có ba là anh Nguyễn Kim Tuấn bị chết trong vụ tai nạn lao động khi làm nghề đá chẻ tại khu vực Hóc Răm, xã Hòa Tân Tây, Tây Hòa. Trong căn nhà cấp bốn không mấy khang trang, sáu mẹ con đang ngồi bên bàn thờ của anh Tuấn với nỗi đau buồn vô hạn. Chị Nguyễn Thị Sen - vợ anh Tuấn kể lại: Vì hoàn cảnh quá khó khăn, đứa con lớn bị bệnh hiểm nghèo, gia đình đã phải đi vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con. Biết nợ nần, nhưng gia đình vẫn cố gắng cho các con đến trường trong năm học này vì cả 5 đứa con đều học rất giỏi. Ngoài những ngày đồng áng, anh Tuấn không quản khó khăn, ngày ngày đi chẻ đá xây dựng để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Lúc sống anh Tuấn thường xuyên động viên vợ và nhắc nhở các con chỉ có học thì mới thoát được cảnh nghèo, chỉ có học giỏi thì các con mới bằng bạn, bằng bè. “Ổng thường nói nợ nần thì từ từ làm trả, nhưng chuyện học cho các con là phải lo trước” chị Nguyễn Thị Sen nói trong nước mắt.
Sự ra đi đột ngột của anh Tuấn không chỉ để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình và người thân, mà còn ảnh hưởng lớn đến chuyện học hành của các con, vì chị Sen thường xuyên ốm đau, nợ nần chồng chất, để lo được cái ăn cho gia đình đã khó, làm gì dám nghĩ đến việc cho con ăn học đến nơi, đến chốn.
Gia đình anh Nguyễn Kim Tuấn là một trong nhiều gia đình có người thân bị tai nạn lao động từ nghề chẻ đá. Ông Nguyễn Năm ở xã Hòa Xuân Đông, nói: Ở đây, đa số bà con làm nông nghiệp. Mỗi người chỉ có một sào ruộng, chỉ đủ ăn giáp hạt. Vì vậy, không ít người bám vào nghề đá chẻ để mưu sinh. Thế nhưng, liên tục nhiều vụ tai nạn đã xảy ra làm chết người và để lại thương tật nặng.
Chứng kiến những hoàn cảnh ấy, bà con thôn xóm cũng chỉ chia sẻ được phần nào khó khăn như bữa cơm, chén mắm hay bộ quần áo cũ cho các em. Bà Lê Thị Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, nói: “Trước mắt, người bị tai nạn thuộc hội đoàn thể nào thì hội ấy sẽ đứng ra vận động hội viên giúp đỡ. Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường sẽ giúp đỡ thông qua các nguồn quỹ của trường. Về lâu dài, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện và UBND huyện Đông Hòa sẽ có hướng giúp đỡ. Những hoàn cảnh đáng thương này rất mong được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để chia sẻ phần nào nỗi đau đối với các em”.
ĐẶNG DỰ