Trong ngôi nhà nhỏ ở cạnh tuyến quốc lộ 25, đoạn qua xã Sơn Hà (Sơn Hòa) có 2 vợ chồng làm công việc cày thuê nuôi 4 con học đại học, cao đẳng, đồng thời còn dang rộng vòng tay đùm bọc nhiều người nông dân lao động nghèo khổ. Đó là vợ chồng ông Võ Quang Hùng và bà Lê Thị Hương.
Bà Hương bên chiếc máy cày của gia đình - Ảnh: H.NAM |
Các con của vợ chồng ông Hùng, bà Hương: Võ Quang Nguyên học cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là đại học Phú Yên), công tác tại Trường tiểu học xã Krông Pa (Sơn Hòa); Võ Thị Như Hoài học đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, công tác ở TP Hồ Chí Minh; Võ Thị Hoài Trang học đại học Phú Yên, công tác tại Trường THCS Sơn Nguyên (Sơn Hòa); Võ Quang Quốc học đại học Phú Yên, mới ra trường. |
Trồng mè thất bại, ông Hùng đến từng nhà vận động bà con chuyển đổi sang trồng mía vì cây mía chịu hạn được. Trồng mía nếu gặp nắng hạn giảm năng suất, chứ không phải mất trắng như trồng cây mè. “Có nhà, tôi đến khuyên giải 2-3 lần, bà con mới đồng ý chuyển đổi sang trồng mía. Qua 2 mùa thu hoạch, họ có đồng ra đồng vào gọi điện thoại bảo tôi đến nhà lấy tiền cày, còn người khác đến tận nhà tôi trả tiền”, ông Hùng nói.
Năm 1997, khi ông Hùng sắm máy cày tay (loại bánh lồng) bắt đầu cày thuê. Lúc đứa con lớn của ông học cấp 2; vào đầu năm học, gia đình ông không có đủ tiền sắm sửa quần áo cho con.
Thấy việc cày thuê bằng máy cày tay không kiếm tiền đủ nuôi con, nên sau đó ông mạnh dạn vay mượn tiền mua thêm máy cày đại (loại máy cày chảo). Việc cày thuê của ông liên tục từ đồng này sang đồng khác, ngày nào cũng ở luôn trưa ngoài đồng; có khi còn bật đèn cày đêm. Vất vả nhưng nghĩ đến việc ăn học của con nên ông Hùng ráng làm. Khổ nhất là những lúc máy hỏng nằm ngoài đồng, nửa đêm gà gáy, ông cũng thức sửa cho xong để cày cho bà con xuống giống kịp thời vụ. Có lúc kiệt sức, ông định bỏ nghề nhưng nghĩ đến những đứa con “nối tiếp” chuẩn bị vào cao đẳng, đại học nên ông vẫn bám nghề.
Động viên con học, đứa nào cũng vậy, bà Hương chỉ nói vẻn vẹn một câu: “Con nhìn đường cày của ba mà cố gắng ăn học”. Thấy ba cực khổ, câu nói thâm thúy của mẹ, các con ông đều quyết tâm học giỏi, lần lượt 4 người con thi vào đại học, cao đẳng và các cháu đã tốt nghiệp ra trường.
Nay ông Hùng đã bước qua tuổi 60. Tuổi cao sức yếu, không đi cày nữa, ông có thời gian làm công việc phúc đức, hiếu hỉ. Nhà ai có đám tang, làm tuần ông có mặt viết sớ, điệp. Còn máy cày, ông thuê người cày và giao vợ quán xuyến điều hành. Ông bảo, hiện nay người có đất thuê máy cày “sướng” hơn xưa nhiều, công nghệ thông tin hiện đại, chỉ cần a lô là máy cày có mặt!
Ông Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hà, cho biết: “Vợ chồng ông Hùng, bà Hương sắm máy cày đi cày thuê còn làm nhiều việc nghĩa, nhiều người nghèo khổ rất biết ơn. Những gia đình gặp cảnh túng thiếu, vợ chồng ông không đòi nợ mà đất ngoài đồng đến mùa, ông vẫn cày, thật cảm phục”.
MẠNH HOÀI NAM