Thứ Năm, 28/11/2024 05:28 SA
Thắp sáng tương lai cho con
Thứ Bảy, 08/09/2012 14:15 CH

Đó là câu chuyện cảm động về một người mẹ nghèo, cả đời tần tảo lo tương lai cho con mình. Đó là bà Huỳnh Thị Tỵ, 52 tuổi ở thôn Quan Quang, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa).

 

Hoa-Kien120908.jpg

Bà Huỳnh Thị Tỵ với công việc thường ngày - Ảnh: N.DUNG

 

ĐƯỜNG GẬP GHỀNH VẪN BƯỚC

 

Lấy chồng năm 20 tuổi, hơn một năm sau, bà Tỵ không chịu được tính khí thất thường của chồng, quyết định chia tay, dù biết là cuộc sống sau này sẽ gặp không ít khó khăn khi sống cảnh nuôi con một mình. Ôm đứa con gái chỉ mới hơn 7 tháng tuổi về tá túc nhà mẹ đẻ, cả ngày bà gửi con nhờ mẹ trông giùm, còn mình thì bươn bả đi cấy lúa, làm cỏ mía, cấy dặm lúa thuê khắp nơi trong làng, trong xã. Suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mệt mỏi rã rời, nhưng đến đêm dù đã đặt lưng xuống giường bà vẫn không thôi lo nghĩ “Không biết ngày mai có ai mướn mình làm gì không?”, “Không biết làm gì có tiền để nuôi con?”. Cuộc sống ở quê vốn đã khó khăn túng thiếu mọi bề, một mình bà một nách nuôi con nhỏ nên vất vả bội phần. Lúc ấy, có không ít người thắc mắc, bà còn trẻ sao không tìm cho mình một người đàn ông để nương tựa lúc mệt mỏi? Nhưng trong lòng bà chưa khi nào gợn lên ý nghĩ sẽ “đi bước nữa”, bà muốn dành cả cuộc đời mình để chăm lo cho con Đỗ Thị Việt Nga. Với bà, con gái là niềm an ủi động viên, là hạnh phúc, tình yêu và cả niềm hy vọng của cuộc đời bà.

 

Những ngày không ai thuê mướn, bà hết đi mót lúa, lại lặn lội lên núi Bầu Đục trong xã chặt cây chành rành về bó chổi đem ra chợ bán. Với 2,5 sào ruộng khoán mỗi năm bà thu hoạch được 700-800kg lúa, chỉ vừa đủ ăn giáp hạt, nên mọi chi phí trong gia đình, rồi tiền học, tiền sách vở cho con đều trông hết vào những đồng tiền làm thuê của bà. Hồi ấy, mỗi ngày làm thuê, bà chỉ nhận được 12.000 đồng, sau được tăng lên 14.000 đồng, rồi 15.000 đồng. Số tiền nhỏ nhoi chỉ như “hạt muối bỏ bể” so với những khoản chi phí của gia đình. Để có thể tiết kiệm đến mức tối đa, hai ba năm liền, bà mới dám may một bộ quần áo mới, còn cả tháng trời mới đi chợ có một lần. Bữa ăn của hai mẹ con chỉ có rau, dưa, mắm, muối qua ngày.

 

VÌ CON

 

Sau gần 10 năm tá túc bên nhà mẹ đẻ, rồi bà Tỵ cũng tích góp dành dụm, vay mượn thêm một ít tiền mua mảnh đất ở thôn Quan Quang để xây nhà. Thời điểm đó là năm 1993, cũng trong năm đó bà bắt tay vào nuôi heo nái. “Cũng may hồi đó người ta cho nợ tiền mua heo giống đến mùa cắt lúa lên mới trả”, bà Tỵ ngồi nhớ lại. Lứa đầu tiên, con heo nái đẻ được 8 con. Bà bán heo sắm được 5 chỉ vàng, mừng đến nỗi không ngủ được. Nuôi heo được vài năm, bà phải dừng lại vì chi phí cao lại không lời. Trong khi đó, Nga càng lớn, chi phí cho việc học càng nhiều. Thấy con ham học, học giỏi, trong lòng bà vừa mừng, vừa lo. Lo vì sợ không đủ sức, đủ tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn. Một ngày quần quật chuyện trong nhà, ngoài đồng, rồi đi làm thuê cho người ta, nhưng đêm đến bà chỉ chợp mắt có vài tiếng đồng hồ. “Mẹ tôi thiếu ngủ đến mức nhiều lần ngồi ăn cơm, mà ngủ gục rớt bể cả chén cơm, thậm chí có đêm mẹ gánh nước tưới ngò tàu, rồi ngồi tựa vào gốc chuối ngủ lúc nào không hay”, Nga nhớ lại.

 

Thấy bà cực khổ, nhiều người trong làng nói: “Bà sống chi mà cực khổ dữ vậy? Sao không cho con gái nghỉ học để nhẹ thân?”. Có người còn nói: “Con gái mà cho học chữ chi cho lắm, cuối cùng rồi nó cũng cưới chồng, bà không nhờ vả được gì đâu”. Bà Tỵ không hề phân tâm mà luôn tự dặn lòng “Người ta nói gì cũng mặc kệ, miễn sao mình cố gắng hết sức để nuôi con học hành đến nơi đến chốn”. Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Kiến Phan Thị Họa Mi nói rằng: Một mình nuôi con, gặp biết bao khó khăn nhưng cô Tỵ luôn vượt lên hoàn cảnh để nuôi con ăn học nên người thật đáng biểu dương.

 

“NẾU KHÔNG CÓ MẸ, EM SẼ KHÔNG CÓ NGÀY HÔM NAY”

 

Chúng tôi đến lúc Nga đang dạy tiếng Anh cho gần chục học trò nhỏ trong xóm. Ngôi nhà của bà Tỵ có một gian phòng nhỏ mà ở đó treo đầy những tờ giấy khen, bằng khen của Nga. Bà Tỵ cười: “Tôi gìn giữ từng tờ giấy khen của con Nga từ năm lớp 1 đến khi nó học đại học”. Với bà, những tờ giấy khen của con vô cùng quý giá, nó là động lực giúp bà vượt qua những năm tháng gian khó để tìm tương lai tươi sáng cho con mình.

 

Những chuỗi ngày vất vả của bà Tỵ giờ cũng được đáp đền. Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý Trường đại học Đà Lạt loại khá, Nga được Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nhận vào làm việc. Sau một thời gian công tác, Nga sang Hàn Quốc học thạc sĩ chuyên ngành Vật lý, rồi tiếp tục về lại viện công tác. Hơn 5 năm trở lại đây, vì mẹ bị mắc bệnh cao huyết áp, nên Nga quyết định về Phú Yên xin giảng dạy ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa để tiện chăm sóc mẹ. Nga nói: “Cả đời mẹ đã vất vả hy sinh vì em, nếu không có mẹ, em sẽ không có ngày hôm nay”. Điều mà bà Tỵ vui mừng hơn cả là hiện con gái không chỉ có công ăn việc làm ổn định mà cũng đã yên bề gia thất, giờ bà lại chuẩn bị đón đứa cháu ngoại đầu lòng.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek