Hiện nay, thế giới có hơn 1 triệu trẻ em bị nhiễm HIV. Khoảng 4 trong số 10 đứa trẻ bị nhiễm HIV thường chết trước khi chúng được một tuổi. Hơn một nửa số trẻ bị nhiễm HIV có thể sống tới 5 năm. Một số ít trẻ sau 10 năm mới có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh, nếu được chăm sóc tốt. Điều này có ý nghĩa quan trọng rằng: Trẻ bị nhiễm HIV vẫn có thể có một cuộc sống bình thường. Trẻ rất cần được vui chơi, hòa đồng với chúng bạn và được đến trường. Và những trẻ bị nhiễm HIV không thể truyền bệnh cho người khác qua những hoạt động thông thường.
Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhận quà trong một dịp đặc biệt
Ở Việt Nam, thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho thấy, cả nước có khoảng 5.700 trẻ dưới 13 tuổi nhiễm HIV và mỗi năm ghi nhận thêm 1.000 trường hợp nhiễm mới. Tuy nhiên, số trẻ em nhiễm HIV trên thực tế ước cao gấp 4 lần.
Theo ghi nhận của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Phú Yên hiện có 8 đứa trẻ nhiễm HIV, trong số đó đã có 4 em tử vong. Ngoài ra, có 33 đứa trẻ đang chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi HIV/AIDS. Đó là những em có cha mẹ nhiễm HIV/AIDS còn sống hoặc đã chết. Tuy Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên chưa thành lập phòng khám ngoại trú nhưng trẻ nhiễm HIV vẫn được theo dõi sức khỏe định kỳ tại trung tâm.
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 3 trẻ và cấp sữa miễn phí cho 3 trẻ. Trong số đó, 1 trẻ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV sau 18 tháng tuổi, 2 trẻ còn lại vừa được trung tâm lấy mẫu máu theo kỹ thuật giọt máu khô DBS (dry blood spot) đối với bé dưới 18 tháng tuổi được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV và được chuyển đến Phòng Xét nghiệm HIV - Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm phát hiện HIV bằng kỹ thuật khuếch đại gen PCR (polymerase chain reaction). Xét nghiệm này chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi.
Đa phần những đứa trẻ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi HIV được sống cùng gia đình, cha mẹ, cha hoặc mẹ hoặc với ông bà (trong trường hợp cha mẹ các em đã chết). Do cuộc sống của người nhiễm HIV đa phần khó khăn về kinh tế nên có em đang học nghề phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền giúp gia đình. Nếu như xóm làng không biết cha/mẹ đứa trẻ mắc phải căn bệnh AIDS thì các em có cuộc sống bình thường, còn nếu người dân địa phương đã biết về bệnh tật của cha mẹ các em thì ít nhiều những đứa trẻ này cũng bị kỳ thị, phân biệt đối xử như ngấm ngầm né tránh.
Đối với những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, nhân viên y tế hướng dẫn gia đình các em cách chăm sóc và tư vấn xét nghiệm. Tất cả các em đều được xét nghiệm HIV.
Để những đứa trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được vui chơi, học hành, có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, hằng năm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên đều phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tập huấn về thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi trong việc phòng lây nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử cho giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên làm công tác Công đoàn ở các trường học; đồng thời tăng cường truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho học sinh và giáo viên bằng nhiều hình thức như: sinh hoạt ngoại khóa, thi tìm hiểu về HIV/AIDS và chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên cũng đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em của tỉnh tập huấn cho cán bộ và nhân dân một số địa phương có trẻ em nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quảng bá rộng rãi, tư vấn cho phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm sàng lọc HIV để điều trị dự phòng và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh trong tương lai.
NGUYÊN HIỆU