Thứ Tư, 09/10/2024 11:34 SA
"Xóm lều” giữa phố
Thứ Sáu, 07/09/2012 14:00 CH

Tổ 10, khu phố Nguyễn Du (phường 7, TP Tuy Hòa) được người dân ở đây gọi là “xóm lều” bởi vì xóm này chỉ có 46 hộ với 215 nhân khẩu nhưng hơn nửa số đó đang tá túc trong các nhà tôn lụp xụp được xây dựng trên khu đất lấn chiếm thuộc đường Lý Thường Kiệt. Các hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và các nghề theo thời vụ như phụ hồ, làm yến, buôn bán nhỏ… Các điều kiện thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu dân sinh như nước sạch, các công trình vệ sinh đều chưa có…

 

ancom120907.jpg

Trong nhà chị Thanh chỉ có một chiếc giường để ngủ nhưng cũng là nơi để ăn cơm - Ảnh: H.ANH

CUỘC SỐNG TẠM BỢ

 

Ông Trần Văn Bảy, Khu phố trưởng khu phố Nguyễn Du (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết: Trước đây, khu vực này chỉ có một vài hộ dân từ các phường lân cận đến đây lấn chiếm đất để sinh sống. Nhưng rồi năm này qua năm khác, người nọ chỉ người kia và nay đã có 46 hộ chủ yếu là những hộ nghèo, không có đất để định cư lâu dài. Đứng từ cầu Vạn Kiếp (Trần Hưng Đạo) nhìn qua, xóm nhỏ này giống như những miếng vá trên chiếc áo của một người khổng lồ. Theo chân ông Bảy, tôi vào nhà chị Trịnh Thị Thanh. Gọi là nhà nhưng đây là túp lều được vây kín bằng tôn, rộng chừng 24m2. Trong nhà nóng hầm hập và xộc lên một mùi hôi khó tả. Như hiểu ý, chị chỉ tay phía sau nhà và cho biết, chị đang nuôi 2 con heo và khoảng 10 con vịt nhưng chỉ cách nhà 1 bước chân. Chị Thanh kể: Chồng chị làm nghề biển, còn chị ở nhà nội trợ là chính, ai kêu gì làm nấy nên thu nhập rất bấp bênh. Hai vợ chồng chị đến đây và làm ngôi nhà tạm này vào năm 1993, hiện đang sống với 4 người con.

 

Tôi thật sự không tưởng tượng được mọi sinh hoạt của 6 con người trong không gian chật hẹp như thế này? Tôi hỏi: Chuyện ăn thì đã đành còn chuyện ngủ? Chẳng lẽ gia đình chị tiếp tục sống như thế này mãi sao? Chị cười: Tối đến mấy đứa nhỏ về nhà ông bà nội, ngoại để ngủ; biết làm sao được, đến đâu hay đến đó…

 

Ngôi nhà thứ hai chúng tôi đến là của anh Phạm Trung Trường. Nhà anh Trường xung quanh được xây gạch nhưng mái nhà là một lớp tôn đã đen xỉn. Chị Lê Thị Biên - vợ anh Trường cho biết, do hoàn cảnh khó khăn không thể mua đất để định cư lâu dài, vợ chồng chị đã làm ngôi nhà này ở tạm. Nói là ở tạm nhưng gia đình chị sinh sống ở đây cũng được hơn… 20 năm(!?). Ngôi nhà chỉ khoảng chừng 50m2 nhưng hiện đang có tới 3 thế hệ tất cả 13 người, gồm: 8 người con, 3 đứa cháu và hai vợ chồng chị chen chúc sống ở đây.

 

Vì ở trên đất lấn chiếm nên nơi đây không có điện đường làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự. Nhiều đối tượng gây gổ đánh nhau ở ngoài đường Lê Duẩn hay Bà Triệu đều chạy vào đây lẩn trốn, các lực lượng chức năng rất khó truy bắt… Hơn nữa, nhiều hộ dân sống ở đây đã lâu nhưng vẫn chưa được đăng ký hộ khẩu. Khi có việc cần đến, nhiều người về nhà cha mẹ đẻ ở các phường lân cận để xin xác nhận, do đó, công tác quản lý hộ tịch hộ khẩu cũng khó khăn.

 

VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG ĐÃ ĐẾN MỨC BÁO ĐỘNG

 

Các hộ dân ở đây xây dựng nhà cửa trên khu đất lấn chiếm nên các chương trình nước sạch, nước thải không được nhà nước đầu tư. Hầu hết các hộ dân tự khoan giếng để dùng nhưng sau một thời gian dài các giếng nước này đã bị ô nhiễm nặng không thể dùng được nữa. Lâu nay, gia đình chị Thanh phải đi xin nước về cho vào thùng phuy để dùng dần. Lúc đầu chị cũng khoan giếng nhưng gần đây nước giếng đã ngả màu vàng nên đành phải bỏ. Diện tích đất ở chật hẹp, chỗ để thùng phuy đựng nước đành phải kê sát chuồng heo, và nơi nhốt 10 con vịt.

 

Hiện tại, nhiều gia đình chưa có công trình vệ sinh nên việc đi vệ sinh một cách bừa bãi cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống chung quanh. Nhất là vào mùa gió nam, nhiều hộ gia đình, đa số là cán bộ công nhân viên chức ở bên kia đường Lý Thường Kiệt không dám mở cửa vì đủ thứ mùi bốc lên nồng nặc. Vấn đề về nước thải cũng đang rất bức bách. Hàng ngày lượng nước xả thải rất lớn nhưng không có hệ thống xả thải nên đã tồn đọng lâu ngày, ruồi muỗi phát triển. “Tình trạng ăn ở thiếu vệ sinh như thế này là điều kiện cho dịch bệnh tấn công, nhất là vào mùa nắng nóng”, một người dân ở đây nói.

 

Nhiều người dân ở “xóm lều” đang mong muốn được cấp đất định cư lâu dài, ổn định cuộc sống nhưng điều đó rất khó. Phó chủ tịch UBND phường 7 Lâm Trung Bảo cho biết: “Đây là khu đất được quy hoạch để xây dựng Công viên Vạn Kiếp. Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng cơ bản TP Tuy Hòa đã phối hợp với phường 7 tổ chức đoàn khảo sát để có báo cáo lên UBND, Phòng Tài nguyên và môi trường TP Tuy Hòa”.

 

Thực tế trước đây vì bức bách nhiều vấn đề về môi trường, UBND phường 7 và khu phố Nguyễn Du cũng đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng và báo cáo HĐND các cấp nhưng đều được trả lời là chờ làm đường Lý Thường Kiệt sẽ tiến hành giải tỏa khu dân cư này. Vì vậy, việc giải tỏa khu dân cư này có lẽ còn lâu mới thực hiện được.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek