Công việc không đòi hỏi trình độ, vốn liếng nên nghề bóc vỏ hạt điều thu hút được nhiều phụ nữ nhàn rỗi tham gia. Có việc làm, các chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình…
Hàng ngày, các chị bóc vỏ hạt điều để kiếm thêm thu nhập- Ảnh: Q.HÙNG |
BÓC VỎ HẠT ĐIỀU, NUÔI CON ĂN HỌC
Buổi sáng, đường đến cơ sở bóc tách vỏ hạt điều Bình Phúc ở thôn Đông Lộc (xã Hòa Thắng, Phú Hòa) luôn tấp nập, nhộn nhịp người qua lại. Hàng chục phụ nữ đi xe đạp nhanh chóng rẽ vào nơi làm việc, khẩn trương đeo khẩu trang, tạp dề, bao tay và bắt đầu công việc tách vỏ hạt điều. Tiếng máy tách vỏ kêu ken két cộng với cái nắng nóng oi bức và không khí ngột ngạt khiến những người lần đầu bước vô xưởng không khỏi ngán ngẩm. Vậy mà các lao động ở đây vẫn miệt mài làm việc quanh năm, phần lớn họ là những người phụ nữ đã lớn tuổi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Loay hoay sửa lại máy tách hạt điều, chị Nguyễn Thị Tự Nghị, 45 tuổi trú thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) cho biết: Nhà đông người nhưng ít ruộng, làm hoài mà không đủ ăn nên tôi thường đi khắp nơi làm thuê, làm mướn kiếm thêm tiền nuôi con đi học. Từ ngày trong thôn có cơ sở bóc vỏ hạt điều, tôi xin vô làm cho gần nhà. Nghề này không đòi hỏi vốn liếng, trình độ, chỉ cần có sức khỏe là làm được và quan trọng là có thể kiếm đồng ra đồng vô trang trải cho cuộc sống gia đình.
“Nhờ nghề này mà tôi nuôi được hai đứa con, một đứa vừa tốt nghiệp THPT còn một đứa đang học cao đẳng ở TP Tuy Hòa sắp ra trường”, chị Nghị chia sẻ.
Chị Đào Thị Hồng, 47 tuổi ở xã Hòa An từng đi làm công nhân ở nhiều nơi. Dạo này hay bệnh đau, cộng với tuổi lớn sức yếu nên chị về nhà làm ruộng, trồng thêm bắp, dưa… để qua ngày. Con càng lớn, cuộc sống gia đình càng khó khăn, được chị em trong xóm mách, chị nhận lãnh hạt điều về bóc vỏ tại nhà nhưng cũng không được bao nhiêu. “Khi nghe tin cơ sở bóc vỏ hạt điều ở xã Hòa Thắng tuyển người, tôi xin vào làm công nhân. Công việc này thích hợp với phụ nữ, được làm việc trong mát, thu nhập lại ổn định mỗi tháng từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi bớt phải lo cơm áo gạo tiền, hàng tháng còn dành dụm gửi tiền cho con gái học đại học ở TP Hồ Chí Minh mua thêm sách vở”, chị Hồng vui vẻ nói.
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Hiện mỗi ngày cơ sở bóc vỏ hạt điều Bình Phúc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ông Lâm Tố Hữu, chủ cơ sở này cho biết: Chúng tôi nhận gia công bóc tách vỏ hạt điều cho các công ty xuất khẩu. Ngoài xã Hòa Thắng, tôi còn có các cơ sở khác ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa… Không chỉ làm việc tại xưởng, công nhân và những người nhàn rỗi có thể nhận hạt điều về bóc vỏ tại nhà rồi đem đến đây giao lại. Tiền công được tính theo sản phẩm làm ra, giá cả tùy theo từng loại hạt điều nhận bóc vỏ. Công việc khá đơn giản, không đòi hỏi trình độ, năng lực, chẳng phân biệt già trẻ gái trai, chỉ cần khỏe mạnh, vừa học, vừa làm vài ngày là thạo việc.
Chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Đông Lộc (xã Hòa Thắng) cho biết: “Năm nay tôi 37 tuổi, làm công việc này đã 12 năm rồi. Từ nhà đến nơi làm việc hơi xa nên phải đi từ rất sớm, cũng may ở cùng thôn có mấy chị làm chung nên rủ nhau đi cùng. Công việc bắt đầu từ 6g đến 11g; sau đó, mọi người được nghỉ ăn cơm tại chỗ khoảng 30 phút rồi tiếp tục làm. Người mới làm chưa quen việc nên hay bị dập tay. Như tôi làm lâu năm thì đã quen rồi. Mỗi ngày, tách vỏ gần 14kg hạt điều, với giá 8.600 đồng/kg, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng, công việc nhẹ nhàng mà chẳng phải đi đâu xa”. Tuy mới 20 tuổi, nhưng em Võ Thị Đăng ở thôn Mỹ Hòa đã có 5 năm làm nghề. Đăng bộc bạch: “Ngày đầu thấy mẹ đi làm, em cũng đi theo phụ mẹ, sau dần thành quen. Sáng đi học tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, chiều về em ra đây làm kiếm tiền mua sách vở đỡ gánh nặng cho ba mẹ”.
Tuy không phải là công việc nặng nhọc nhưng nhận bóc vỏ hạt điều, những người phụ nữ ở đây cũng đối mặt với không ít khó khăn, vất vả. Ngoài việc không cẩn thận khi điều khiển máy tách vỏ, dễ bị dập tay, chảy máu; sức khỏe của chị em còn bị ảnh hưởng bởi mủ điều và bụi vỏ điều trong quá trình làm việc. Thế nhưng, theo những người phụ nữ làm công việc này, trước đây họ đã thất nghiệp, làm đủ mọi việc để kiếm sống thì khó khăn này họ chấp nhận. Vấn đề quan trọng là chú ý bảo hộ lao động cho kỹ thì sẽ giảm thiểu được rủi ro. Hàng trăm lao động địa phương nhờ có các cơ sở bóc tách vỏ hạt điều mà cuộc sống ổn định hơn, xóa đói giảm nghèo cũng thuận lợi…
QUỐC HÙNG