Thứ Tư, 09/10/2024 17:25 CH
Đa Lộc đất lành
Chủ Nhật, 02/09/2012 08:10 SA

Xã Đa Lộc (Đồng Xuân), cách trung tâm thị trấn La Hai về hướng đông bắc khoảng 20km, tiếp giáp với huyện Vân Canh của tỉnh Bình Định. Thuở xa xưa, đây là nơi chỉ có người Ba Na sinh sống. Về sau, một số lưu dân người Kinh cũng quần tụ sinh sống ở đây. Đặc biệt bên cạnh người dân bản địa, đầu năm Kỷ Mùi - 1979, thực hiện Quyết định 74/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nhiều gia đình từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đến Đa Lộc lập vùng kinh tế mới.

 

da-loc-120902.jpg

Trường học ở Đa Lộc được xây dựng khang trang - Ảnh: X.HIẾU

“Tiếng đồn Đa Lộc cam ngon

Muốn ăn cam Đa Lộc, sợ đi mòn gót chân”

 

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

 

Để đến Đa Lộc, vùng đất có nhiều con suối nhỏ bắt nguồn từ núi Hòn Đát, có thể đi theo nhiều hướng khác nhau: Theo ĐT 644 từ TX Sông Cầu lên; từ ngã ba Diêu Trì (Bình Định) lên Vân Canh theo ĐT638 sang; từ thị trấn Chí Thạnh theo ĐT641, qua thị trấn La Hai rồi rẽ phải, ngang qua Xuân Lãnh đi về hướng đông bắc khoảng 7km là đến trung tâm xã. Cả ba lối, nhưng lối nào xưa kia cũng đường sá gập ghềnh, đèo dốc, bụi mờ và phải đi bộ là chính nên… “sợ đi mòn gót chân”.

 

Ông Mang Tâm sống ở thôn 1 lâu năm kể: Hồi ấy vùng kinh tế mới Đa Lộc được chia làm 6 thôn, trong đó thôn 1 là cư dân người Ba Na, thôn 6 có cả đồng bào Kinh và Ba Na, các thôn còn lại là đồng bào Kinh… Mỗi thôn đều cách nhau một con suối. Hàng năm, mỗi khi đến mùa mưa muốn qua lại giữa các thôn, người dân phải lội suối rất nguy hiểm. “Giờ thì mỗi con suối đều có cây cầu bắc qua, ô tô có thể về đến từng thôn, xe khách ngày nào cũng có chuyến”.

 

Ông Võ Chí Cường, sống ở thôn 4, cho biết: Trong số dân kinh tế mới ở Đa Lộc có rất nhiều gia đình công giáo với khoảng trên dưới 800 người. Bà con giáo dân chủ yếu định cư từ thôn 2 đến thôn 6, trong đó thôn 2 và thôn 5 có số giáo dân nhiều nhất, thôn 6 hẻo lánh nhất. Khi mới đến Đa Lộc, mỗi gia đình được chỉ định một khoảnh đất đủ để làm nhà, canh tác, làm kế sinh nhai. Mái nhà mỗi gia đình là những tấm tole, tấm bạt tạm bợ che mưa nắng do mỗi gia đình mang theo. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây thích hợp cho việc trồng rau và các loại cây như mía, điều, sắn… Nhưng do đất mới, người lạ, chưa quen với điều kiện khí hậu và thiếu dụng cụ sản xuất, kết cấu hạ tầng gần như bằng không nên những năm đầu đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Ban đêm những tiếng khóc ré của trẻ con lấn át tiếng côn trùng; tiếng gọi đưa người thân đi cấp cứu bởi những cơn sốt rét rừng hành hạ… nghe xé lòng. Cuộc sống ban đầu ấy đã làm cho không ít người hoảng sợ, tìm cách trốn thoát khỏi vùng đất mới này. Tuy nhiên phần lớn người dân vẫn thấy được Đa Lộc là đất lành và kiên trì bám trụ, từng bước khắc phục gian khó, ổn định cuộc sống.

 

ĐỔI THAY TỪNG NGÀY

 

Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc Phạm Ngọc Thái cho biết, là vùng đất mới nên các thôn của Đa Lộc đều là tên những con số từ 1 đến 6. Hầu hết người dân ở đây đều hiền hòa mến khách, cần cù, chịu thương chịu khó và sống chủ yếu bằng nghề nông: nuôi bò, trồng mía, sắn, điều… Thời gian đầu xã mới thành lập, do phần đông là người từ nơi khác đến lập nghiệp, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau nên rất khó khăn cho công tác quản lý; an ninh trật tự có lúc phức tạp. Mặt khác, do xuất phát điểm thấp, công cụ và trình độ sản xuất lạc hậu dẫn đến năng suất, sản lượng không cao; có thời điểm hàng nông sản do bà con sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, một phần do đường sá đi lại khó khăn, một phần do thiếu quy hoạch, nghịch lý trong cung - cầu, nên sau nhiều năm nỗ lực xây dựng Đa Lộc vẫn còn là một xã nghèo. Thu ngân sách của xã mỗi năm chỉ khoảng 120 triệu đồng. Toàn xã có 1.055 hộ thì vẫn còn hơn phân nửa là hộ nghèo.

 

Tuy nhiên, so với những ngày đầu gian khó “đi mòn gót chân”, Đa Lộc giờ đây khác xưa rất nhiều. Sau nhiều năm bám đất, bám làng, được sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách phù hợp, được trên đôi chân của mình. Theo đà thay đổi nhanh của đất nước, của tỉnh và của huyện, những năm gần đây Đa Lộc đổi thay rất nhanh. Trung tâm của xã là thôn 3, trụ sở UBND, Bưu điện văn hóa xã, trường cấp 1, trường cấp 2… được xây dựng khang trang. Là xã miền núi nhưng trình độ dân trí của người dân khá cao, phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn hầu như nhà nào cũng có. Đặc biệt, nhiều gia đình ở Đa Lộc có truyền thống hiếu học và học giỏi, như gia đình bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn 3 có bảy người con, tất cả đều học đại học và trên đại học. Ở thôn 4 có gia đình ông Cần, thôn 5 có gia đình ông Tỳ, ông Hữu, ông Thái.... là những gia đình có con cái học hành thành đạt. Năm 2011, từ nhiều nguồn hỗ trợ, toàn xã tiếp tục xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho 42 hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn.

 

“Trên đà phát triển chung của đất nước, hiện nay Đa Lộc đang thay da, đổi thịt từng ngày. Bên cạnh những công trình phục vụ dân sinh đã hoàn thành như trường học (cấp 1 và cấp 2), trạm Y tế, hai công trình lớn đang thi công, sẽ tạo bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững cho Đa Lộc là hồ chứa nước Kỳ Châu và đường tránh lũ…” - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Phạm Đình Trí cho biết.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek