Thứ Hai, 07/10/2024 15:15 CH
Nguy cơ tăng mức sinh và mất cân bằng giới tính
Thứ Sáu, 01/06/2012 09:00 SA

Nhiều cặp vợ chồng quyết định sinh con năm Nhâm Thìn với suy nghĩ đây là năm đẹp. Và với quan niệm “nam nhâm, nữ quý”, số bé trai tăng nhanh sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) ngày càng nghiêm trọng.

 

mam-non-baby120601.jpg

Lớp mẫu giáo Trường mầm non Baby TP Tuy Hòa (17 bé trai/10 bé gái) - Ảnh: L.BI

Theo báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ, tổng số trẻ em sinh ra trong quý 1/2012 của cả nước là 301.639 trẻ, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2011, trong đó số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tăng 18,9%.

Phú Yên là tỉnh có số trẻ tăng cao nhất (34%) trong quý 1/2012 so với nhóm 33 tỉnh có mức sinh đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt dưới 2,1 con) từ năm 2009 và tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai sinh ra còn sống/100 bé gái sinh ra còn sống) tăng lên 118 bé trai/100 bé gái (bình thường tỉ số này là 105, dao động từ 103-107). Điều này cho thấy mức giảm sinh ở Phú Yên là chưa bền vững và nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng.

 

Việc chọn năm đẹp để sinh con sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ các bệnh viện quá tải vì lượng người sinh, số trẻ tăng nhanh mà còn ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục, gây mất cân bằng giới tính, sức ép về trường học, nhà ở, việc làm trong tương lai.

 

Việc chọn lựa giới tính thai nhi là con trai dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, nhất là về mặt xã hội: cấu trúc dân số sẽ thay đổi; gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm bạn tình và vấn đề hôn nhân; tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm; bất bình đẳng giới và tăng bạo lực giới… Tình trạng thiếu phụ nữ để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt đối với những trường hợp nghèo khó, trình độ học vấn thấp; kéo theo độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới tăng lên. Số tuổi trung bình này của nam năm 2009 là 26,2, tăng lên so với năm 1999 (25,4). Vì thế, tỉ trọng dân số chưa kết hôn cũng sẽ tăng lên, ngay cả tỉ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng. Nam giới muộn hoặc không kết hôn được sẽ có thể phải đối mặt với các rắc rối về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Điều đó sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm nữ, nam; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và ngay cả nạn nhân là nam giới vì thế cũng gia tăng.

 

Việc thiếu nữ giới để kết hôn sẽ làm nam giới buộc phải tính đến việc kết hôn với người nước ngoài. Một thực trạng đang diễn ra là có hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam đến các nước khác, nơi có tình trạng mất cân bằng GTKS trước hàng chục năm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để làm dâu. Chỉ tính riêng từ năm 1998-2008, có gần 252.000 cô gái Việt Nam làm dâu tại Hàn Quốc.

 

Khi kết hôn với người nước ngoài mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu kỹ càng thì hôn nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, thói quen sinh hoạt, quan niệm… sẽ dẫn đến sự xung đột và đe dọa đến hạnh phúc gia đình, làm gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng nguy cơ số vụ ly hôn. Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái.

 

Đánh giá tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006-2010 của Việt Nam cho thấy: Trên cả nước ước tính có gần 31.000 người bán dâm; gái bán dâm ngày càng trẻ hóa, từ 16-18 tuổi, chiếm 15,3%, từ 25-35 tuổi chiếm 35% và đông nhất là lứa tuổi rất trẻ: từ 18-25 tuổi chiếm 42%. Theo kết quả nghiên cứu năm 2010 ở Việt Nam, 51% gái mại dâm có liên quan tới ma túy và 27% nhiễm HIV.

 

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), giai đoạn 1998-2006, có 5.746 phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài và 665 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trong nước, chưa kể đến con số gần 8.000 phụ nữ và trẻ em nghi ngờ bị buôn bán. Từ năm 2005 đến tháng 6/2008, có 2.800 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Hầu hết các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra tại các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào. Riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã có 362 trường hợp, trong đó có cả trẻ em sơ sinh.

 

Các vấn nạn trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, các nguy cơ, tệ nạn xã hội nói trên không hoàn toàn phát sinh từ việc mất cân bằng GTKS nhưng rõ ràng rằng GTKS là một trong các nguyên nhân và khi chỉ số này tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn nói trên.

 

Xã hội cũng phải tăng thêm các chi phí cho y tế, công an, tòa án… để đảm bảo an toàn xã hội. Hậu quả của mất cân bằng GTKS không chỉ xảy ra trong phạm vi một nước mà nó còn dẫn đến các hệ lụy cho quốc gia liền kề. 65% các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam là qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nơi mà tình trạng mất cân bằng GTKS diễn ra nghiêm trọng và từ vài chục năm trước.

 

Nguy cơ mức sinh tăng trở lại và mất cân bằng GTKS ở Phú Yên đã đến lúc báo động. Nếu cấp ủy, chính quyền các cấp chủ quan, không tập trung chỉ đạo thì những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ Phú Yên đạt được trong hơn 22 năm qua sẽ trở thành đống gạch vụn.

 

Th.s ĐỖ THỊ NHƯ MAI

Phó Chi Cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek