Mù chữ, không có đất sản xuất, cuộc sống khốn khó biến phần lớn thanh niên ở các xã Suối Trai, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa)... chỉ biết sống bám vào rừng và phải trả giá.
Vận chuyển gỗ về xuôi - Ảnh: Q.HÙNG
SỐNG BÁM VÀO RỪNG
Men theo quốc lộ 25 đi vào các tiểu khu thuộc rừng cấm Krông Trai nằm trên địa phận các xã Suối Trai, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Bạc... chúng tôi bắt gặp những người lầm lũi mưu sinh nhờ những cánh rừng. Anh Võ Văn H. (trú thôn Tân Bình, xã Sơn Phước), người có “thâm niên” bám rừng gần bảy năm, tâm sự: “Chúng tôi vào tận rừng sâu tìm những cây gỗ to đem về bán cho tư thương. Đó là chưa kể việc tranh giành nhau từng cây gỗ đến “bươu đầu, mẻ trán”, mất cả tình thân”. Để chứng minh lời nói của mình, anh Võ Văn H. dẫn chúng tôi đến các tiểu khu trong rừng cấm Krông Trai, nơi các đối tượng “lâm tặc” thường xuyên hoạt động. Giữa cái nắng oi bức, nhiều lâm tặc đang dùng máy cưa cưa những cây gỗ mấy chục năm tuổi, tiếng máy vang rền cả một góc rừng. Sau khi cưa gãy những cây gỗ quý hiếm, một bộ phận khác sẽ đưa cây lên xe máy độ hoặc dùng cộ bò vận chuyển cây ra khỏi rừng. Từng công đoạn phối hợp nhịp nhàng, ăn ý nên mỗi ngày, một nhóm 5-6 người có thể khai thác được gần chục mét khối gỗ. Anh H. giới thiệu chúng tôi là những người chuyên săn cây cảnh và gỗ quý hiếm lên xem gỗ để mua. Thấy chúng tôi không có gì khả nghi nên mọi người mở lòng trò chuyện. Anh Lê Đức Khoa, người có thâm niên trong nhóm, đưa bàn tay đen đúa đầy sẹo quệt mồ hôi trán, tâm sự: “Người dân ở đây đa phần đều nghèo khó, không có đất sản xuất, không có việc làm phải vào rừng mưu sinh. Mỗi khu vực thuộc rừng cấm Krông Trai có hàng chục người tham gia khai thác gỗ trái phép, trong đó thanh niên chiếm đa số. Chúng tôi kiếm được 200.000-300.000 đồng mỗi ngày nhưng phải bỏ rất nhiều công sức. Như mấy anh thấy đấy, tay chân, mặt mũi người nào cũng đầy sẹo”.
Anh Khoa kể: Hành trang của những người sống nhờ rừng gồm máy cưa, dao, rựa, mã tấu, lưỡi liềm để phục vụ việc khai thác và sẵn sàng sử dụng làm vũ khí khi nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhóm tranh giành địa phận hoặc cướp gỗ. “Bạn đồng hành” không thể thiếu của họ là những con “chiến mã” Honda 67, Wave, Dream Trung Quốc “độ” chế đèn pha đủ ánh sáng để đảm bảo cho quá trình di chuyển vào ban đêm; đồng thời tăng độ vòng tua của nhông, hàn thêm vài thanh sắt ở yên sau để dễ dàng chở những khúc gỗ nặng qua được những dốc đá lởm chởm. Thường trong một nhóm sáu người thì năm người làm, một người nghỉ để thay nhau canh chừng. Hễ thoáng thấy bóng dáng kiểm lâm là phát tín hiệu báo động để mọi người chạy trốn. Từ chập tối đến khoảng nửa đêm, lâm tặc luôn cử người đến những đoạn đường chuẩn bị đi qua, quan sát mọi động tĩnh xung quanh, cảnh giới xem có kiểm lâm không. Nếu thấy an toàn mới điện cho “phi đội” vận chuyển gỗ chạy, còn không thì chờ tới tối.
Đến các khu rừng thuộc xã Suối Trai, chúng tôi gặp anh Huỳnh Văn B. (trú thị trấn Củng Sơn) đang khai thác gỗ ở đây. Anh B. thở dài ngao ngán: Trước đây, hai vợ chồng có ruộng, đất rẫy trồng cây hoa màu nên cũng có đồng ra đồng vào. Từ khi thủy điện Sông Ba Hạ được xây dựng, chính quyền thu hồi đất sản xuất nên gia đình không còn chỗ để canh tác. Nghe những người hàng xóm rủ rê, tôi cũng theo lên rừng khai thác gỗ. Biết là vi phạm pháp luật nhưng đành chấp nhận vì miếng cơm manh áo của cả gia đình. Đi một ngày, một đêm kiếm được từ 200.000-300.000 đồng nhưng về tu sửa lại máy cưa, xe máy tính đi tính lại có khi chỉ còn khoảng 30.0000 đồng/ngày.
TRẢ GIÁ CHO CUỘC MƯU SINH
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Tuyết M. (30 tuổi) ở xã Suối Bạc. Sau nhiều phút ngần ngại, không muốn đề cập đến nghề làm rừng của chồng mình, chị M. cho biết: “Thời gian đầu, tôi có khuyên chồng đừng vào rừng khai thác gỗ trái phép nữa vì dù nhà mình nghèo nhưng vẫn còn nhiều cách để mưu sinh. Chồng tôi hứa đi chuyến này nữa rồi về làm nghề khác. Ai dè chuyến này cũng là chuyến đi đau lòng đối với gia đình chúng tôi”. Anh Nguyễn Đức H. (31 tuổi) chồng chị M. nhớ lại: Lúc nhóm khai thác đang vận chuyển gỗ về nơi tập kết thì lực lượng chức năng xuất hiện, tiến hành vây bắt. Anh H. rú ga tăng tốc. Vì mải quan sát lực lượng chức năng đeo bám, anh H. không chú ý đến phía trước nên đã vấp phải ổ gà giữa đường. Anh văng ra khỏi xe, người một nơi, “chiến mã” một nẻo. Sáng dậy thì thấy chân tay bị băng bó trắng xóa và điều trị hơn một tháng tại bệnh viện, tốn gần 25 triệu đồng. Tiền mất, tật mang nhưng cảnh nhà thiếu thốn lại đẩy anh H. tìm vào rừng lần nữa. Anh H. buồn rầu nói: “Thấy công việc vất vả, nguy hiểm, dễ bị tai nạn nên tôi có ý định bỏ nghề. Mấy năm nay, tôi chỉ lui cui làm ở những nơi gần thôi, không lặn lội lên trên đỉnh núi nữa”.
Không tự gây thương tích cho mình như anh H., anh Đặng Thanh Đ. (trú thị trấn Củng Sơn) lại gây vạ cho người khác. Anh Đ. kể: Hôm đó, tôi đang chạy xe máy chở gỗ tới thôn Tân An với tốc độ cao thì bất ngờ mất lái, đụng phải chị Nguyễn Thị Xem (SN 1962, ngụ trong thôn) ngay trước cổng nhà chị. Tôi vội vàng đưa chị Xem vào bệnh viện chữa trị. Chị Xem được bác sĩ chẩn đoán bị gãy tay, chân và chấn thương cổ. Gia đình tôi phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để điều trị cho chị Xem.
Dẫu biết mưu sinh bằng nghề khai thác gỗ lậu là phi pháp, lắm hiểm nguy, nhưng dấu chân của những phận đời nghèo khó ấy vẫn mải miết đi về dọc theo những dãy núi. Không biết mai đây, khi rừng không còn thì những phận đời “tầm gửi” ấy sẽ sống bám vào đâu?
QUỐC HÙNG