“Ba làm thợ hồ ở xa. Hai bữa nay em út lại bị sốt nặng, trong nhà em không còn đồng tiền nào. Em giữa phải chạy sang nhà hàng xóm mượn đỡ ít tiền, đạp xe chở em út đi khám bệnh, còn em ở nhà trông mẹ”. Đó là lời tâm sự của Nguyễn Hoàng Nguyên (lớp 10 Trường THPT Lê Thành Phương, huyện Tuy An). Trong căn nhà ọp ẹp chưa đầy 30m2, hằng ngày, ba anh em Nguyên vừa đi học, vừa phải chăm sóc người mẹ bị bệnh tâm thần 6 năm nay.
Hằng ngày, em Nguyên chăm sóc người mẹ tâm thần - Ảnh: H.MY
GIA CẢNH KHÓ KHĂN
Chúng tôi đến nhà Nguyên vào một buổi trưa trời chan chát nắng. Căn nhà tuềnh toàng nằm phía bắc cầu gỗ An Hải. Thấy người lạ, mẹ Nguyên, bà Lê Thị Giảm đang ngồi trên phản, vội chạy vào phòng trốn. Nguyên rót nước mời khách, nói: “Mấy chị thông cảm chịu nóng chút. Nhà có cái quạt duy nhất, nhưng mấy bữa trước bị gãy. Em mang lên tiệm sửa, phải đợi ba về mới có tiền lấy”.
Mẹ Nguyên bị bệnh tâm thần hơn 6 năm nay. Bà không nói được, cũng chẳng nhớ gì, cứ ngơ ra như một đứa trẻ. Trước đây, nhà Nguyên ở gần chợ Hòa Đa (xã An Mỹ). Vào năm 2006, bà phát bệnh tâm thần nặng, ba em, ông Nguyễn Văn Tập phải bán tất cả tài sản trong nhà để đưa bà đi khắp nơi chữa bệnh. Bệnh tình của mẹ Nguyên không thuyên giảm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn hơn. Sau đó, gia đình Nguyên chuyển về sống gần nhà ngoại bên chân cầu gỗ ở xã An Hải để các cậu, dì tiện giúp đỡ. Nguyên cho biết: “Khó khăn nhất là vào năm 2006, mẹ em bị bệnh rất nặng, lên cơn co giật và mê sảng. Bà ngoại đã già nhưng phải ra tận Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn để chăm sóc mẹ. Còn ba em phải tranh thủ làm thợ hồ kiếm tiền trang trải thuốc men cho mẹ. Nhưng vì gia cảnh thiếu thốn, nên mẹ chỉ nằm một tháng rồi về. Bây giờ, cứ cách hai tháng, ba em lại phải đưa mẹ vào Nha Trang tái khám và lấy thuốc về uống”.
Ba Nguyên cả tháng mới về một lần. Mọi việc trong gia đình đều do anh em Nguyên quán xuyến, từ việc giúp mẹ tắm rửa, thay đồ, làm vệ sinh cá nhân đến giặt giũ, cơm nước. Nồi cơm điện nhà Nguyên đã hư cả năm nay, thế là hằng ngày, anh em Nguyên phải đi tìm củi dương quanh đó để nấu nướng. Hàng xóm thấy thương nên thường đi chợ mua giúp đồ ăn rồi đợi ba Nguyên về thanh toán lại sau.
VƯỢT KHÓ ĐẾN LỚP
Từ khi Nguyên đậu vào lớp chọn Trường THPT Lê Thành Phương, thấy em mỗi ngày phải đạp xe hơn 13 cây số đi học nên người bác ruột cho em ở nhờ. Hằng ngày, một buổi Nguyên đi học, thời gian còn lại em phụ bác bán quán nước. Cuối tuần, Nguyên lại tranh thủ đạp xe về thăm mẹ và các em.
Ba đi làm xa, anh hai lại sang ở nhờ nhà bác để thuận lợi cho việc học, mọi việc trong nhà đều dồn hết lên đôi vai của em trai giữa Nguyễn Nguyên Văn (lớp 7, Trường THCS Kim Đồng). “Lúc nào học buổi sáng, thì trưa về, em nhóm bếp nấu cơm, rồi chiều đến giặt giũ, tắm rửa cho mẹ. Còn hôm nào học buổi chiều, thì trưa đó, em lo nấu ăn, đút cơm cho mẹ xong mới đi. Em và em trai út Nguyễn Hoàng Khương thường phân công nhau trông mẹ, vì sợ mẹ đi ngoài nắng, bệnh càng nặng hơn. Lúc nào hai đứa cùng học một buổi thì chúng em nhờ dì hoặc cậu trông hộ”, Văn tâm sự.
Mặc dù gia cảnh khó khăn, không có sự quan tâm, chăm sóc của ba mẹ, phải tự lập trong mọi việc nhưng ba anh em Nguyên đều chăm chỉ học. Nhiều năm liền, các em đều là học sinh giỏi của trường, được thầy yêu, bạn mến. Nguyên chia sẻ: “Một lần, mẹ em trở bệnh nặng, thương ba vất vả, hai em trai lại còn quá nhỏ, nên em định nghỉ học để kiếm một việc gì đó làm. Nhưng ba nói: “Đời ba mẹ đã khổ, nên chúng con phải ráng học thật giỏi để thoát nghèo. Dù phải làm bất cứ việc gì, ba cũng không để chúng con phải bỏ học giữa chừng”. Vì vậy, chúng em luôn bảo ban nhau cùng học thật tốt để làm vui lòng ba mẹ”.
Bà Lê Thị Dung, dì của Nguyên, cho biết: “Gia cảnh vô cùng khó khăn, nhưng ba anh em Nguyên không bao giờ tự ti, mặc cảm, mà luôn nỗ lực, vượt khó. Các cháu đều ngoan ngoãn, yêu thương nhau và học giỏi. Mọi người trong xóm thương tình nên thường mang gạo tới cho. Nếu được mọi người tiếp sức kịp thời, các cháu sẽ còn vươn xa nữa”.
HÀ MY