Trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay túi ni lông là một hoạt động nằm trong chương trình bảo vệ môi trường của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đang được triển khai thí điểm tại xã Hòa Trị (Phú Hòa). Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.
Chị Mấn rọc lá chuối để gói thực phẩm thay túi ni lông - Ảnh: N.QUỲNH
NGƯỜI TRỒNG PHẤN KHỞI
Dẫn chúng tôi đi tham quan khắp khu vườn chuối xanh ngát của gia đình, chị Đặng Thị Bạch Mấn ở thôn Phụng Tường 1 (Hòa Trị) tươi cười: “Từ ngày Hội phụ nữ xã triển khai mô hình câu lạc bộ trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay túi ni lông, tôi cũng như nhiều chị em trong xã phấn khởi lắm. Bởi nó không chỉ giúp chúng tôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình”. Chị Mấn bảo, ở quê cây chuối, nhất là cây chuối hột rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc mà lại mang lại lợi ích nhiều mặt. Trồng cây chuối người ta có thể tận dụng hết trái, lá, thân, bẹ. Lá chuối dùng để gói thức ăn, gói bánh. Quả chuối chát non có thể ăn sống, khi quả già dùng để ngâm rượu chữa bệnh sỏi thận. Còn bẹ chuối dai, chắc có thể dùng để đan ghế. Thân chuối có thể băm nhỏ làm thức ăn chăn nuôi cho heo, gà, vịt…
Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người. |
Với đặc tính hữu dụng của cây chuối, nên khi Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình trồng cây chuối lấy lá để sử dụng thay túi ni lông, gia đình chị Mấn cũng như nhiều gia đình khác ở các thôn Phước Khánh, Quy Hậu, Long Phụng, Phụng Tường 1, Phụng Tường 2 đã nhiệt tình tham gia. Không những thế, khi tham gia mô hình này mỗi hộ còn được hỗ trợ 300.000 đồng để trồng chuối.
Mô hình nằm trong chương trình bảo vệ môi trường của Trung ương Hội LHPN Việt Nam mà Hòa Trị là địa phương duy nhất trong tỉnh được thực hiện. Bên cạnh việc tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, cũng như tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với sức khỏe con người và môi trường; Tỉnh hội còn trang bị kỹ năng tuyên truyền vận động người dân hạn chế thói quen sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày cũng như phương pháp trồng chuối đạt hiệu quả … cho 40 chị em tham gia mô hình. Từ tháng 8/2011, Hội LHPN xã còn thành lập CLB trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay túi ni lông với 30 thành viên tham gia. “Tiêu chí” đặt ra khi gia nhập CLB, thì nhà nào cũng phải trồng chuối và phải duy trì thói quen đem lá đi chợ gói thực phẩm thay cho túi ni lông. Để khích lệ phong trào, Hội LHPN xã đã trao tặng giỏ nhựa cho chị em trong CLB để đi chợ.
ĐEM LÁ ĐI CHỢ
Chị Mấn nói rằng: “Trước đây, tôi cũng như nhiều chị em khác thường sử dụng túi ni lông để gói thực phẩm, hàng hóa vì sự thuận tiện, mà không để ý đến những nguy cơ tiềm ẩn của nó đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhưng từ ngày gia nhập CLB, hiểu rõ được tác hại của túi ni lông, không riêng gì tôi mà phần lớn chị em đều mang theo giỏ nhựa và những bó lá chuối để gói các loại thực phẩm tươi sống mua ở chợ”. Chị Mấn cho biết, nay đi chợ, mọi người mang theo giỏ, các loại rau được mua từng mớ thì cho trực tiếp vào giỏ, còn thịt, cá, đậu được gói vào lá. Thực phẩm hay thức ăn được gói bằng lá chuối thì không có mùi khó chịu. Lá gói thực phẩm sau khi dùng xong đem đổ rác trong vườn, sau đó đốt đi làm phân bón cho cây trồng rất thiết thực mà lại góp phần bảo vệ môi trường. Không riêng gì chị em trong CLB, mà bây giờ nhiều người bán xôi, rau, đậu…. cũng dần dùng lá thay túi ni lông để gói hàng. Chị Phan Thị Ngữ, Phó chủ tịch Hội LHPN xã kiêm phó chủ nhiệm CLB trồng cây chuối cho biết: Cứ 3 tháng CLB tổ chức sinh hoạt một lần. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho chị em sử dụng lá thay túi ni lông, CLB còn tổ chức tuyên truyền về các vấn đề xử lý rác thải để bảo vệ môi trường, vận động chị em tham gia hưởng ứng mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Để những buổi sinh hoạt thêm gần gũi với chị em, CLB thường tổ chức tuyên truyền dưới hình thức hái hoa dân chủ, diễn kịch thông qua các tiểu phẩm liên quan đến các nội dung trên”. Bà Hòa nói rằng, để ý thức chị em thay đổi về vấn đề này trong ngày một ngày hai không phải dễ dàng, vì thế, Hội Phụ nữ xã tuyên truyền vận động chị em theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để góp phần chung tay bảo vệ môi trường ngày càng xanh sạch đẹp.
NGỌC DUNG