Toàn tỉnh hiện có 20 Câu lạc bộ Cha mẹ về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên (CLB Cha mẹ về SKSS VTN/TN). Riêng tại TX Sông Cầu, địa phương được Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển - một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ tại Việt Nam thực hiện mô hình thí điểm này có đến 12 CLB. Hình thức sinh hoạt theo mô hình CLB đem lại hiệu quả khả quan trong công tác tuyên truyền SKSS VTN/TN, nên Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai, nhân rộng tại các trường học.
Chuyên gia Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đang trả lời câu hỏi của sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: T.DIỆU
Kết quả điều tra mức độ hiểu biết kiến thức CSSKSS của VTN/TN Phú Yên do Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên thực hiện so với tỉ lệ điều tra của Tổng cục DS-KHHGĐ: trung bình tuổi kết hôn lần đầu 20,4 tuổi/18,2 tuổi; sự hiểu biết toàn diện về HIV/AIDS 27,9%/42,5%; sự hiểu biết về đồng tính 39,4%/63%; sử dụng internet 8,2%/20%; sử dụng máy vi tính:15%/20%.
CLB Cha mẹ về SKSS VTN/TN gồm các bậc cha mẹ và con cái sẽ cùng tham gia vào sinh hoạt của CLB với những nội dung: đóng kịch tương tác (có sự giao lưu giữa diễn viên và khán giả), tiểu phẩm, hỏi đáp… từ đó lồng ghép kiến thức, kỹ năng ứng xử tình huống của các bậc cha mẹ, con cái về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN/TN.
Học sinh, sinh viên được xem là một trong những nhân tố quan trọng mà ngành DS-KHHGĐ Phú Yên quan tâm chăm lo SKSS trong dự án Nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nói: “Chúng tôi vừa thực hiện một cuộc điều tra về hiểu biết kiến thức SKSS của VTN/TN Phú Yên. Qua đó cho thấy, kiến thức về mang thai và KHHGĐ, HIV/AIDS của đối tượng này vẫn thấp. Tuy nhiên, khác với VTN/TN cả nước, sự hiểu biết về kiến thức SKSS vùng ven biển lại cao hơn vùng nông thôn; thành thị lại là vùng có hiểu biết về kiến thức này thấp nhất. Trong khi cả nước, kiến thức của VTN/TN hiểu biết theo mức độ giảm dần là thành thị, nông thôn, ven biển. Tôi cho rằng sự khác nhau cơ bản này là do các vùng ven biển Phú Yên như Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa đã triển khai sớm mô hình sinh hoạt CLB Cha mẹ về SKSS VTN/TN”.
Đầu năm 2012, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên tư vấn cho Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa và Trường đại học Phú Yên thành lập CLB vì SKSS VTN/TN. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng các CLB này đã có những hình thức sinh hoạt thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Em Hồ Thanh Nghị, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, nói: “Tôi cho rằng đây là một hình thức sinh hoạt hiệu quả, nhằm giúp sinh viên có thể cởi mở trong những vấn đề xưa nay vẫn cho là tế nhị như sức khỏe tình dục”. “Việc sống thử đã trở thành một vấn đề mà xã hội đang tranh cãi. Tôi cũng băn khoăn không biết chuyện đó có nên hay không? Thông qua tiểu phẩm Lầm lỡ, cùng với sự trao đổi thẳng thắn giữa sinh viên, tôi nhận ra sống thử là không nên và nếu thật sự yêu nhau thì đến với nhau bằng việc kết hôn cũng chưa muộn”, sinh viên Nguyễn Thị Hoàng Nhi đã chia sẻ trong buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB vì SKSS VTN/TN Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa.
Các kiến thức về giới tính, hệ thống sinh sản, bệnh tâm lý mang tính xã hội lứa tuổi VTN/TN, HIV/AIDS… được các chuyên gia, cùng với sinh viên phân tích, mổ xẻ đến tận cùng của vấn đề đã giúp sinh viên hào hứng khi tham gia sinh hoạt CLB.
Theo bà Mai, hiện nay toàn tỉnh đã có 17 CLB vì SKSS VTN/TN ở các trường đại học, cao đẳng, THPT. Sắp tới, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên sẽ tiến hành thành lập 16 CLB ở các trường học, và đến năm 2015, mô hình này sẽ được phủ khắp ở tất cả các trường THPT, THCS và THPT.
TUYẾT TRẦN