Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng sẽ có rất nhiều dịp dự tiệc cưới. Tuy nhiên, để dự đám cưới của một đôi tân lang và tân nương đều là những người câm điếc quả là cơ hội hiếm hoi. Một đám cưới mà mọi người chỉ có thể nói lời cầu chúc hạnh phúc bằng ánh mắt và những cái siết tay thật chặt... đã gây xúc động với những ai tham dự.
Cô dâu Tuyết Thoa và chú rể Đinh Hải chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè - Ảnh: HẠNH NGUYÊN
Tôi cùng với một số thầy cô và các em khuyết tật trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) đã vượt hơn 200 cây số vào đến phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để dự đám cưới của một đôi vợ chồng trẻ mà cô dâu đang là học sinh lớp 3 và chú rể là cựu học sinh của trường. Đó là Đỗ Thị Tuyết Thoa và Nguyễn Đinh Hải. Nói là học sinh lớp 3 nhưng cô dâu đã được 18 tuổi tròn! Cái khác biệt trong rất nhiều sự khác biệt của trường Niềm Vui với các trường tiểu học bình thường là các em vào trường không đúng độ tuổi đi học. Chào đón chúng tôi trước cổng nhà, chú rể và cô dâu đã rưng rưng nước mắt vì không ngờ các thầy cô giáo và các bạn có thể đi đoạn đường xa như thế vào dự ngày vui trọng đại của mình.
Cô dâu cùng chú rể mừng vui, nói chuyện với các bạn mình về những gì đã và đang diễn ra trong ngày cưới bằng ngôn ngữ ký hiệu. Các em nói nhiều như thể các em cần phải tuôn ra những chia sẻ mà không thể bày tỏ cùng ai, cả với ba mẹ và người thân vì mấy ai hiểu được ký hiệu ngôn ngữ của các em! Tiệc cưới cũng có sân khấu và nhạc sống, cũng sâm banh và bánh kem như một đám cưới bình thường khác nhưng cả cô dâu và chú rể không thể nghe dàn nhạc đang chơi những bài hát sôi động hay người dẫn chương trình đang nói lời dẫn về mối lương duyên gặp gỡ của họ. Những hành động của cả hai trên sân khấu đều phải nhờ một trong những cô giáo trường Niềm Vui dùng ngôn ngữ ký hiệu để hướng dẫn.
Cô dâu, chú rể chụp hình lưu niệm với thầy, cô giáo và các bạn Trường Niềm Vui - Ảnh: HẠNH NHÂN
Cô dâu chú rể cũng đến từng bàn để chào và nâng ly với mọi người và đáp lại lời chúc của mọi người bằng những nụ cười tươi tắn dù không biết những người khách đã nói những gì cho mình. Đến khi tiệc tàn, chúng tôi bịn rịn chia tay với học trò của mình và những giọt nước mắt vỡ òa khi cô dâu mong muốn một bạn gái thân của em cùng lớp ở lại chơi với em ba ngày trước khi em về nhà chồng ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Nét ngây thơ, hồn nhiên của cô dâu cũng như sự tha thiết muốn được chia sẻ của cô dâu làm chúng tôi không cầm được nước mắt.
Ra xe đi về nhà, chúng tôi bước đi trên con đường nhỏ gập ghềnh nhưng thật đẹp với màu xanh tươi mát của lá mạ, màu của sự sống đang vươn đến những điều hạnh phúc sẽ diễn ra... Ai ai cũng đều thầm cầu mong như vậy.
HẠNH NGUYÊN