Phụ nữ nông thôn không chỉ đảm nhiệm hầu hết công việc nội trợ trong gia đình mà còn là lực lượng lao động, sản xuất quan trọng ở các địa phương. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của phụ nữ nông thôn vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn. Họ ít có cơ hội, điều kiện để học tập, tham gia công tác xã hội cũng như học hành nâng cao kiến thức, hưởng thụ văn hóa so với nam giới.
Hội LHPN tỉnh truyền thông nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng của phụ nữ cho phụ nữ nông thôn - Ảnh: N.DUNG
GÁNH NẶNG OẰN LƯNG
Do lao động và lo nghĩ nhiều nên trông chị Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) gầy yếu và già hơn cái tuổi 49 của mình. Chị Lan thở dài: “Nếu không chịu khó làm ăn thì lấy tiền đâu ra để lo cho gia đình và nuôi con cái ăn học?”. Trong bốn người con của chị, cô con gái đầu đang là sinh viên năm thứ hai của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, cô con gái thứ hai học lớp 11, cậu con trai thứ ba đang học lớp chín, còn cô con gái út đang học lớp năm. Chị Lan than thở: “Cuộc sống gia đình tôi sẽ không vất vả như thế này, nếu như trước đây chồng tôi không nhất quyết bắt tôi phải cố sinh con trai để nối dõi tông đường”. Nhà có đến sáu miệng ăn, trong khi vợ chồng chị lại không nghề nghiệp. Cả gia đình không có khoản thu nhập nào khác ngoài sáu sào ruộng khoán. Đã thế anh Minh - chồng chị lại lười lao động, những công việc đồng áng từ làm bờ, cuốc góc, gieo sạ, cấy dặm… anh đều “khoán trắng” cho vợ lo liệu, với lý do không quen với việc ruộng đồng. Chị Lan bực dọc: “Thời gian đầu, tôi rất tức giận trước lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm của ổng. Nhưng vợ chồng cãi tới cãi lui hoài, ổng cũng không thay đổi, tệ hơn là những khi uống rượu vào lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” nói rằng “vợ là phải biết nghe lời, không được cãi lại, hạch sách chồng”.
Vì thương các con, chị Lan cố nhẫn nhịn chồng để gia đình êm thuận, dù trong lòng luôn ấm ức. Không thể trông mong vào người chồng thiếu trách nhiệm, sau mỗi vụ mùa gieo sạ, cày cấy, chị Lan lại tất tả đi làm thuê khắp nơi trong xã để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học. Có những tháng, chị còn theo người quen lặn lội đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai… để hái cà phê, chặt mía thuê. Chị không dám chi tiêu xa xỉ mà chỉ rau dưa qua ngày để có tiền lo cho con học hành đến nơi đến chốn, “để cuộc sống của các con sau này không khổ sở như mình”- chị Lan mong ước.
Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, phụ nữ nông thôn lao động rất vất vả - Ảnh: N.DUNG
CẦN PHẢI HÀNH ĐỘNG
Câu chuyện của chị Lan không phải là hiếm ở các vùng nông thôn ở Phú Yên. Tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” vẫn còn tồn tại, khiến không ít phụ nữ vì cam chịu, nhẫn nhịn mà âm thầm chịu đựng cảnh bị chồng bạo hành. Cùng với đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cho trẻ em gái, phụ nữ nông thôn gánh chịu không ít thiệt thòi. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nếu để lựa chọn cho các con tiếp tục đi học thì hầu như cha mẹ nào cũng lựa chọn cho con trai thay cho con gái, với quan niệm “con gái không cần học cao, học cao lại khó lấy chồng…”. Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, hiện số phụ nữ nông thôn có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ đạt 1,4%, trong khi đó tỉ lệ này ở thành thị là 10,4%. Điều này khiến họ ít có điều kiện nắm bắt, tiếp cận các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, ít được học hành, đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp so với nam giới. Họ dễ rơi vào tình trạng khó tìm việc làm khi ruộng đất ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, công nghiệp hóa. Do đó, phụ nữ phải gánh chịu ảnh hưởng nghèo đói nhiều hơn nam giới. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương nói rằng: “Thực tế cho thấy, phụ nữ ở các vùng nông thôn không chỉ là lực lượng lao động, sản xuất nông nghiệp quan trọng, mà còn đảm nhiệm hầu hết công việc gia đình. Tuy nhiên, vai trò, vị trí của họ lâu nay vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn”.
Những nghiên cứu mới đây của Liên Hợp Quốc về nam tính và bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam chỉ ra rằng, chính thái độ và hành vi của nam giới làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Vì thế, cần phải hành động và khuyến khích nam giới và trẻ em trai tham gia vào phòng chống bạo lực và thúc đẩy xã hội dựa trên bình đẳng giới. Tuy nhiên, một điều tối quan trọng mà phụ nữ không thể quên là chính bản thân họ phải đấu tranh và học cách đấu tranh để đòi quyền bình đẳng giới.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Tương Lai cho biết, riêng ở Phú Yên, từ nhiều năm nay, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cũng đặt ra chiến lược về thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với nhiều mục tiêu hướng đến phụ nữ nông thôn như: phấn đấu tỉ lệ lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt không dưới 40% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; 80% nữ ở vùng nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi và 100% vào năm 2020…
NGỌC DUNG