Thứ Năm, 28/11/2024 01:50 SA
Cơ Chế tạo nguồn Chi trả tiền lương:
Còn nhiều bất cập
Thứ Sáu, 11/05/2012 11:00 SA

Từ năm 1985 đến nay, nước ta đã trải qua 3 giai đoạn cải cách tiền lương để thu nhập của người lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cải cách đã cải thiện được phần nào đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, cơ chế tạo nguồn còn nhiều vướng mắc, không giải quyết được triệt để yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

 

luong.jpg

Cải cách tiền lương hợp lý sẽ góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức

 

THỰC TRẠNG CƠ CHẾ TẠO NGUỒN CHO CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Theo kết quả điều tra của Công đoàn viên chức Việt Nam, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức khá thấp, phần lớn là hưởng lương ở mức cán sự và chuyên viên, chiếm khoảng 73%, còn ở mức chuyên viên chính là 24% và chuyên viên cao cấp là 3%. Như vậy, mức lương tối thiểu của nhà nước chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu cuộc sống của người lao động ở mức tối thiểu.

Theo tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân sách nhà nước (NSNN) không phải là nguồn kinh phí duy nhất để cải cách tiền lương, nhưng là nguồn lớn nhất, quyết định nhất. Tuy nhiên. NSNN luôn hạn hẹp và trong tình trạng căng thẳng, bội chi, vì vậy tìm giải pháp để tạo nguồn từ NSNN và ngoài NSNN để cải cách tiền lương cho giai đoạn 2012-2020 là hết sức cấp thiết.

Năm 2011, chi lương, phụ cấp và các khoản gắn với lương xấp xỉ khoảng 10% GDP, chiếm hơn 33,2% tổng chi NSNN và khoảng 51,4% chi thường xuyên của NSNN. Trong các giai đoạn cải cách tiền lương vừa qua, khoảng 95% nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương là từ NSNN, trong đó ngân sách trung ương chiếm đến 82%. Những năm gần đây, thu NSNN liên tục tăng cao, tạo điều kiện để cơ cấu lại chi ngân sách, dành một tỉ lệ hợp lý từ thu ngân sách hàng năm cho cải cách tiền lương. Theo thống kê, tổng chi từ NSNN cho tiền lương, các khoản phụ cấp, đóng góp cho lương của nước ta so với GDP cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua, từ 6,7% GDP năm 2000 lên khoảng 9,6% GDP năm 2011.

Theo Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012, dự kiến nguồn lực huy động được từ khu vực sự nghiệp và hành chính khoảng 26.000 tỉ đồng để đảm bảo nguồn tiền lương tăng thêm, song thực tế chỉ đạt khoảng 40%.

Theo tiến sĩ Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, có 3 bất cập chính trong vấn đề tạo nguồn cho cải cách tiền lương

Thứ nhất, tỉ trọng NSNN dành cho cải cách tiền lương của nước ta lớn về quy mô nhưng mức lương tối thiểu lại rất thấp. Một phần do xuất phát điểm và năng suất lao động của nước ta thấp, mặt khác việc sử dụng nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này còn chưa thực sự hiệu quả.

Thứ hai, phạm vi đối tượng hưởng lương từ nguồn NSNN rộng, không phù hợp và mang tính chất bao cấp; có sự lẫn lộn giữa tiền lương và trợ cấp, bao cấp trên diện rộng.

Thứ ba, cách thức trả lương của chúng ta chưa đúng với nội dung và đối tượng; hệ thống lương cán bộ công chức phức tạp, thụ động, nhiều cấp độ và thiếu cơ sở kinh tế; chức năng hành chính, nhà nước và bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh, không hiệu quả; hệ thống ưu đãi, phụ cấp, trợ cấp trong lĩnh vực lương dàn trải. Những bất cập này dẫn đến mặc dù quy mô chi tiền lương tăng và nhanh nhưng phân tán, không tạo được sự chuyển biến căn bản.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ TẠO NGUỒN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tổng lương và trợ cấp do NSNN đảm bảo chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng chi NSNN nhưng tiền lương Nhà nước quy định trả cho cán bộ, công chức, viên chức còn rất thấp, dẫn đến thực trạng phải “gọt chân cho vừa giày”. Vì vậy, để chính sách cải cách tiền lương thực sự đi vào thực tiễn, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động, cần có sự đổi mới cơ bản cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ nhất, quản lý chặt chẽ và giảm đối tượng hưởng lương từ NSNN. Xây dựng một môi trường hành chính và công vụ chuyên nghiệp, hiện đại để xác định rõ từng vị trí làm việc với chức danh tiêu chuẩn rõ ràng.

Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công nhằm giảm dần tỉ trọng chi từ NSNN cho đầu tư cơ sở vật chất của khu vực này.

Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công không có nguồn thu thì NSNN trả lương và áp dụng chính sách tiền lương như cán bộ, công chức. Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công có nguồn thu nhưng chưa tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động và tiền lương thì được Nhà nước hỗ trợ phần thiếu hụt; các cơ sở cung cấp dịch vụ công có thể tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động và tiền lương thì được áp dụng chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường.

Thứ ba, thực hiện nghiêm chủ trương đầu tư vào tiền lương là đầu tư cho phát triển. Từ đó, điều chỉnh mạnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi NSNN và tăng cường huy động các nguồn ngoài NSNN (của doanh nghiệp, dân cư…) cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm tỉ trọng NSNN trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, dành nguồn cho trả lương cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, tách dần tổng quỹ lương từ NSNN và quỹ bảo hiểm xã hội, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo cơ chế tạo nguồn và chi trả độc lập với NSNN, giảm dần áp lực tăng kinh phí từ NSNN khi thực hiện cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, thiết kế lộ trình hợp lý cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với khả năng tạo nguồn, theo hướng tăng dần, tránh những đột biến gây sốc về nguồn và tác động tiêu cực đến các quan hệ kinh tế - xã hội vĩ mô.

Cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề mang tính nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự cải cách đồng bộ và có lộ trình cụ thể cùng với nhiều chính sách liên quan. Trả đúng lương cho người lao động là thực hiện đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và lành mạnh hóa các hoạt động công quyền, ngăn chặn các hành vi tiêu cực.

(tapchitaichinh.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek