Thôn Chư Blôi nằm cách trung tâm xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) 16km, việc đi lại trong mùa nắng đã khó, mùa mưa trơn trợt, lầy lội lại càng khó khăn hơn. Thôn có 63 hộ, trong đó có 61 hộ người Dao, hai hộ người Tày với trên 300 nhân khẩu. Bà con nơi đây chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Có được thành quả đó là một quá trình nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị xã Ea Bar, người dân nói chung và phụ nữ Chư Blôi nói riêng.
Cây cao su giúp phụ nữ miền núi phát triển kinh tế gia đình. - Ảnh: M.H.NAM
15 năm trước, thôn Chư Blôi được mệnh danh là nơi “khỉ ho cò gáy”, chỉ toàn đồi trọc, cỏ tranh đường đi chưa có, lại gần rừng già. Xuất phát điểm chỉ có vài hộ người Dao từ phía Bắc di cư đến. Thời gian đầu khó khăn, thiếu thốn trăm bề, đường, trường, trạm không có, tỉ lệ mù chữ rất cao; việc chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế dẫn đến phụ nữ bị bệnh phụ khoa và trẻ em suy dinh dưỡng nhiều; tình trạng bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên. Sống theo phong tục tập quán lạc hậu, chị em ít có cơ hội tham gia sinh hoạt cộng đồng…
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương xã Ea Bar đã tạo điều kiện mọi mặt về cơ chế, chính sách để bà con yên tâm sinh sống. Hội Phụ nữ xã Ea Bar thành lập Chi hội Phụ nữ thôn Chư Blôi do chị Thái Thị Dần làm Chi hội trưởng và chị Hoàng Thị Hoài Thu, Chi hội phó kiêm tổ trưởng tổ vay vốn để củng cố lực lượng nòng cốt tại địa phương. Từ đó, chi hội thường xuyên phối hợp phụ nữ xã tổ chức hội họp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình,… đến hội viên, phụ nữ kịp thời. Đặc biệt, có chị bị chồng bạo lực vì những điều rất vô lý, phải trốn trong rừng, tưởng chừng dẫn đến ly hôn, nhưng nhờ Hội Phụ nữ xã Ea Bar cưu mang, hòa giải họ đã nhận ra những khuyết điểm, cùng cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, nuôi con ăn học nên người. Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với các ngành liên quan đưa các dự án trồng rừng, cà phê, cao su về Chư Blôi; phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ đồng bào vay vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất, xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại… ổn định cuộc sống. Với sự chịu thương, chịu khó, bà con đã khai hoang đất trống đồi trọc, cỏ tranh để cải thiện thành đất trồng rừng, sản xuất theo mô hình vườn-ao-chuồng, trồng lúa nước. Người dân nói chung và phụ nữ nói riêng rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đào giếng nước, xây dựng nhà vệ sinh, chăn nuôi gia súc gia cầm bằng chuồng trại hoặc chăn thả trên rừng. Nhờ chăm chỉ làm ăn cộng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đời sống kinh tế người dân dần ổn định nhờ cây trồng vật nuôi đạt năng suất ngày càng cao. Cứ như vậy, người đi trước truyền cho người đi sau, “đất lành chim đậu” dần dần hình thành một làng người Dao di cư từ nơi chôn nhau cắt rốn khó khăn đến vùng đất mới phát triển hơn.
Hiện nay, 98% hộ xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định, trẻ em được đến trường, gia đình hạnh phúc, bạo lực gia đình giảm. Phụ nữ làng Dao bây giờ nhận thức ngày càng tiến bộ nhờ chị em tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng, của Hội Phụ nữ, các cuộc họp của làng, của hội. Bà Dương Thị Tàn, 72 tuổi, tươi cười cho biết: “So với 10 năm trước, đời sống của người dân tốt hơn nhiều. Giờ đây, bà con mình làm ăn có của dư của để, con cháu lại được đi học. Chứ ở quê nhà suốt ngày quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn thiếu trước hụt sau thì làm sao dám mơ đến chuyện khác”.
Chia tay chúng tôi, bà Tàn nói rằng: Nguyện vọng lớn nhất của bà con thôn Chư Blôi là mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm mở đường giao thông, xây dựng trường học, trạm xá, hỗ trợ các dự án trồng rừng, các nguồn vốn vay ưu đãi để người dân nơi đây thuận lợi hơn trong chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế. Đó không chỉ là mơ ước của bà Tàn mà còn là mong ước của người dân, phụ nữ Chư Blôi.
PHÚC YÊN