Tăng cường sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả để xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc là mục tiêu của chương trình kết nghĩa giữa các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Từ chủ trương trên, hoạt động kết nghĩa giữa BĐBP Phú Yên và BĐBP Thừa Thiên - Huế đã “bén duyên”.
BĐBP Phú Yên tham quan mô hình điểm công tác quân nhu ở BĐBP Thừa Thiên Huế - Ảnh: P.OANH
ĐỒNG HÀNH VÀ CHIA SẺ
“Cùng chung “khúc ruột” miền Trung, sự tương đồng về điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và trong đời sống cư dân… BĐBP hai tỉnh Phú Yên và Thừa Thiên - Huế có khá nhiều điểm gần nhau trong công tác xây dựng đơn vị cũng như thực hiện nhiệm vụ đảm trách. Vì vậy, hai đơn vị có thể trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong hoạt động xây dựng đơn vị cũng như thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng” đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên khẳng định.
BĐBP Phú Yên phụ trách tuyến biên giới biển Phú Yên với gần 200km dọc đường bờ biển. BĐBP Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm quản lý khu vực biên giới có 84km đường biên giới trên bộ, giáp với nước bạn Lào và 120km ven biển. Từ thực tế công tác, hai đơn vị đã đúc kết: “Việc huy động quần chúng theo các nhóm tổ ngư dân đoàn kết, tổ tàu thuyền an toàn (TTAT) trong bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển có ý nghĩa “sống còn” trong sự nghiệp quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển”.
Qua 7 năm triển khai phong trào quần chúng, nhất là với quá trình vận động thành lập 112 tổ TTAT và vận động hơn 5.000 gia đình của các dòng họ tham gia phong trào quần chúng, BĐBP Phú Yên đã huy động hiệu quả sự vào cuộc của bà con ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và an ninh vùng biển. Tùy theo ngành nghề làm ăn, hàng tháng, hàng quý, các đơn vị BĐBP Phú Yên duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt nhóm, tổ TTAT, đặc biệt chú trọng việc đối thoại với ngư dân. Qua đó, làm cầu nối giữa địa phương với người dân nhằm giải quyết tốt các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật và động viên mọi người nỗ lực làm ăn. Ngược lại, bà con ngư dân thường xuyên liên lạc với BĐBP qua đàm thoại để thông báo tình hình trên biển và sẵn sàng hợp lực với BĐBP đấu tranh truy quét tội phạm trên biển.
Với BĐBP Thừa Thiên - Huế, chương trình đưa cán bộ BĐBP về xã đảm trách nhiệm vụ phó bí thư Đảng ủy xã đã tạo được dấu ấn tích cực trong các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Điều đó không chỉ giúp BĐBP có điều kiện trực tiếp tham gia củng cố cơ sở chính trị tại các địa phương khu vực biên giới, vùng biển mà còn là cơ hội đẩy mạnh hơn công tác vận động quần chúng. Đại tá Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Đội ngũ cán bộ đảng viên BĐBP được chú trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng để đảm đương tốt nhiệm vụ, luôn đứng vững trong niềm tin yêu của nhân dân”.
TIẾP SỨC
Một nội dung được đặt ra trong hoạt động kết nghĩa của hai đơn vị là đoàn BĐBP Phú Yên có chuyến tham quan mô hình điểm về công tác quân nhu và xây dựng chính quy ở Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An và Hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên - Huế.
Nét chung dễ thấy nơi hai đơn vị điểm này là giữa khuôn viên rộng, khang trang của mỗi đơn vị, các khu vực nhà ăn, nhà làm việc, nhà nghỉ được tổ chức ngăn nắp với hệ thống bảng biển chính quy khá bề thế. Khu tăng gia phía sau doanh trại rợp màu xanh với 500m2 gồm vườn cây ăn trái, vườn rau, củ, quả đủ loại tươi non, mơn mởn. Tiếp đến là hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hàng chục con heo, hàng trăm con gà, vịt được quy hoạch khép kín với hệ thống hầm bioga. Thêm vào đó, hệ thống máy xay xát gạo, một máy chế biến đậu phụ mà Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên - Huế đầu tư cho Hải đội 2 đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng đưa vào bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Theo thượng tá Phương Văn Liễu, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Phú Yên: Đây là những hình mẫu hết sức thuyết phục về công tác tăng gia của một đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn vùng cát trắng ven biển.
Trực tiếp đưa đoàn đi tham quan các mô hình, đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Sau nhiều trăn trở, tìm kiếm giải pháp đơn vị đã mạnh dạn đầu tư. Từ lãnh đạo của Bộ Chỉ huy đến cấp phòng chức năng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, động viên đơn vị kịp thời, phải thật sự nỗ lực và quyết tâm làm thì mới tạo nên những đột phá, mới mang lại hiệu quả thiết thực”.
“Những điều tiếp cận được từ các mô hình của đơn vị bạn như một cuộc tiếp sức để chúng tôi đúc kết những kinh nghiệm, phương cách hay trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức, triển khai các hoạt động xây dựng đơn vị vững mạnh” đại tá Nguyễn Trọng Huyền Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên tâm sự. Còn đại tá Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế khẳng định tại lễ ký kết văn bản kết nghĩa: “Trong thời gian sớm nhất, BĐBP Thừa Thiên - Huế sẽ đến thăm di tích lịch sử Bến Tàu Không số Vũng Rô huyền thoại để hiểu hơn về quê hương Phú Yên kiên cường. Từ đó, chúng tôi tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, những điều hay mà BĐBP Phú Yên làm được”.
PHƯƠNG OANH