* Đông Hòa: Đã có khoảng 1.000 ha lúa bị đổ ngã
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, Ban chỉ huy PCLB- TKCN huyện Tuy An đã thông báo đến các địa phương phải có biện pháp để phòng tránh thiệt hại.
Tàu thuyền vào neo đậu an tàn tại cửa biển Lễ Thịnh (An Ninh Đông)- Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Tính đến sáng 31/3, đã có 1.731 phương tiện tàu thuyền của ngư dân 6 xã ven biển là An Chấn, An Mỹ, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông và An Ninh Tây đã vào neo đậu và chằng chống an toàn trong cửa Lễ Thịnh (thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông) và cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây).
Đại úy Trần Ngọc Điệp, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng An Hải, cho biết ngoài số tàu thuyền đã vào được trong các bến đậu tại địa phương, hiện có 96 lao động trên 26 phương tiện đang đi mành tôm, câu sỏi và cá hố trên vùng biển Khánh Hòa cũng đã vào neo đậu an toàn tại địa phương này. Tại bãi ngang xã An Hòa hiện có 500 lồng nuôi tôm hùm cũng đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Hiện tại cửa biển Lễ Thịnh có gần 1.000 phương tiện của ngư dân địa phương và ngư dân TP Tuy Hòa vào neo đậu để tránh trú bão. Lúa đông –xuân đang ở huyện Tuy An cũng được khẩn trương thu hoạch để tránh thiệt hại.
* Sáng 31/3, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa tổ chức đi kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 1 tại các xã trên địa bàn huyện.
Qua qua kiểm tra cho thấy, do ảnh hưởng của bão đã gây mưa lớn rạng sáng 31/3, toàn huyện có khoảng 1.000 ha lúa đông xuân (chiếm khoảng 20% diện tích toàn huyện) đang trong giai đoạn chín sáp đã bị đổ ngã. Mặc dù UBND huyện Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương vận động nông dân thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do bão số 1 gây ra, tuy nhiên toàn huyện chỉ mới thu hoạch khoảng 300 ha, do thời tiết trong những ngày qua diễn biến không thuận lợi.
Lúa đông xuân trên địa bàn huyện Đông Hòa bị đổ ngã- Ảnh: T.Hội |
Ông Nguyễn Văn Thư, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết hàng trăm héc ta lúa dọc hai bờ sông Bánh Lái (thuộc hai xã Hòa Tân Đông và Hòa Xuân Tây) có thể sẽ bị mất trắng nếu mưa, lũ xảy ra. Vì số diện tích lúa khu vực này do ảnh hưởng mưa kéo dài trong thời gian gieo sạ, nông dân phải gieo sạ từ 3 đến 4 lần nên hiện lúa chỉ mới đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Vấn đề lo ngại nữa là việc thu hoạch lúa sau khi bão đi qua sẽ gặp khó khăn, ông Thư cho biết, vì máy gặt lúa không thể gặt được những diện tích lúa bị ngã và ngập nước, trong khi phần đông lao động địa phương đang làm ăn ở xa.
Trong sáng 31/3, tại các bến đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô và Đồn Biên phòng Hòa Hiệp vẫn túc trực thường xuyên để quản lý không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt; đồng thời hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu thuyền an toàn, tránh va đập.
Ông Lưu Bá Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa đã chỉ đạo xã Hòa Xuân Nam chịu trách nhiệm phối hợp với đồn biên phòng vận động người dân giằng néo lồng bè nuôi trồng hải sản tại Vũng Rô đảm bảo an toàn và phải hoàn thành trong ngày 31/3, sau đó tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên lồng bè để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
DƯƠNG THANH XUÂN- THANH HỘI