* Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh
Hồi 13g ngày 30/3, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 9,8 độ vĩ bắc, 111,1 độ kinh đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 230km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75-102 km/g), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 13g hôm nay (31/3), vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ vĩ bắc, 109,8 độ kinh đông, cách bờ biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 190km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75-102km/g), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão nên khu vực vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận từ chiều hôm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống nước ta, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6-7.
* Để chủ động phòng, chống cơn bão số 1, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm số lượng tàu thuyền, thông báo cho chủ phương tiện, ngư dân ngoài khơi biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú; khu vực nguy hiểm được xác định trong 12 giờ tới được xác định là vùng biển giới hạn từ vĩ tuyến 14 đến vĩ tuyến 9. Căn cứ tình hình diễn biến thực tế bão để kiểm sát, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và sắp xếp tàu thuyền (kể cả tàu thuyền tỉnh lân cận), lồng bè nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn; các địa phương có kế hoạch thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch để tránh thiệt hại do mưa, bão; rà soát các phương án sẵn sàng sơ tán dân cư vùng cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp; vùng bị ảnh hưởng gió bão, mưa lớn, triều cường, vùng sạt lở đất…
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, tàu câu cá ngừ đại dương PY90945TS công suất 190CV của ông Trần Văn Thảo (1978) trú phường 6, (TP Tuy Hòa), trên tàu có chín lao động bị mắc cạn ngày 28/3 tại khu vực đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa đã được tàu Hải quân cứu hộ, hiện đang neo đậu tránh trú tại tọa độ 1001’24’’ vĩ độ bắc đến 113057’ kinh độ đông cách đảo Đá Lớn khoảng 11 hải lý về hướng đông đông nam. Hiện vỏ tàu của phương tiện này bị rò rỉ nước ở mức độ nhẹ, tất cả các thuyền viên trên tàu đều an toàn.
Đến 13 giờ ngày 30/3, Phú Yên có 7.271 tàu cá với 32.656 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 220 tàu cá với 2.045 lao động đang đánh bắt tại khu vực thuộc quần đảo Trường Sa.
Cùng ngày, mực nước đo được tại hồ chứa nước Phú Xuân đạt cao trình 35,55/36,5m (mực nước thiết kế); hồ chứa nước Đồng Tròn 34,73/35,5m; hồ chứa nước Hóc Răm 22,8/23,4m. Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết: Hồ chứa nước Hóc Răm là hồ chứa hoạt động theo quy trình tự tràn (khi tích nước vượt cao trình thiết kế sẽ tự tràn) vì vậy không đáng lo ngại. Đối với hai hồ tích nước còn lại hoạt động theo quy trình xả đáy, vì vậy đơn vị đang chỉ đạo cho nhân viên trực 24/24 giờ, theo dõi lưu lượng nước về hồ để có báo cáo kịp thời. Nếu tình hình mưa lũ phức tạp, nước về hồ vượt cao trình thiết kế sẽ có báo cáo Sở NN-PTNT xin xả lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa.
A.NGỌC - T.HƯƠNG