Từ ngày 15/4/2012, sẽ áp dụng quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC vừa được Liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành.
Khung giá mới một số dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện từ 15/4/2012- Ảnh minh họa
Theo Thông tư mới ban hành, sẽ áp dụng khung giá mới cho 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm: Khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; khung giá một ngày giường bệnh và khung giá 445 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.
Cụ thể, mức tối đa của khung giá khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa từ 5.000 (khám tại trạm y tế xã) đến 20.000 đồng (khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I).
Mức tối đa của khung giá một ngày giường bệnh được quy định thấp nhất từ 12.000 đồng/ngày đối với giường bệnh tại Trạm y tế xã đến mức cao nhất là 335.000 đồng/ngày đối với giường bệnh điều trị Hồi sức tích cực (ICU), chưa bao gồm chi phí máy thở (nếu có) (áp dụng đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II).
Thông tư cũng nêu rõ, các trường hợp nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thu tối đa 50%; trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị nội trú đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, để tránh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhất là chụp CT Scanner, dịch vụ này đã được điều chỉnh. Cụ thể, trong Thông tư 14/TTLB ngày 30/9/1995 quy định mức giá chụp CT/Scan từ 300.000 đến 1 triệu đồng (bao gồm cả thuốc cản quang) thì tại quy định mới có sự phân định rõ ràng là khi nào có thuốc cản quang và khi nào thì không có thuốc cản quang, cũng như quy định mức giá cụ thể. Ví dụ: Chụp CT Scanner đến 32 dãy (chưa bao gồm thuốc cản quang) giá 500.000 đồng; Chụp CT Scanner đến 32 dãy (bao gồm cả thuốc cản quang) là 870.000 đồng; Chụp CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy là 2.130.000 đồng, Chụp CT Scanner từ 256 dãy trở lên là 3.400.000 đồng (đã bao gồm cả thuốc cản quang)…
Bên cạnh đó, dịch vụ siêu âm trong Thông tư 14/TTLB ngày 30/9/1995 và Thông tư 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/1/2006 chưa phân biệt giữa siêu âm màu với các siêu âm mang tính đặc thù khác. Tại quy định mới, từng trường hợp siêu âm đặc thù đã được phân định cụ thể, rõ ràng để bảo đảm chi phí đưa ra xứng đáng với dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được hưởng. Mức giá từ 35.000 đồng với siêu âm thường đến giá 2.050.000 đối với siêu âm trong lòng mạch hoặc Đo dự trữ lưu lượng động mạch vành FFR.
Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/4/2012 sẽ bãi bỏ khung giá một phần viện phí ban hành kèm theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB (Thông tư 14) ngày 30/9/1995 của liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Vật giá Chính phủ. Ðồng thời, bãi bỏ 80 dịch vụ tại "khung giá một phần viện phí" ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/1/2006 (Thông tư 03).
Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước 15/4/2012 vẫn thực hiện mức thu theo quy định của Thông tư 14 và Thông tư 03 cho đến khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo chinhphu.vn