Đến nay, Quyết định về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) xã, phường của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai rộng khắp. Hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều đã có TSPL nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong muốn.
Người dân đến đọc tài liệu tại tủ sách pháp luật ở phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.KÝ
CHÍNH SÁCH THIẾT THỰC
Ngày 25/1/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL có hiệu lực từ 2/4/2010. Theo đó, TSPL cấp xã, phường là nơi lưu giữ, khai thác sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, nhu cầu tìm hiểu của nhân dân; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. TSPL phải thường xuyên được chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu; đặt ở vị trí thuận tiện để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Cán bộ quản lý, khai thác TSPL có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giới thiệu để nhân dân hiểu và đến nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
UBND cấp xã, phường đảm bảo vấn đề kinh phí trong việc xây dựng, quản lý TSPL. Ngoài ra, hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ được cấp tối thiểu 2 triệu đồng để bổ sung các loại sách, báo, tài liệu cho TSPL. Riêng với những xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, có thể được cấp mức kinh phí cao hơn nhằm đảm bảo có đủ số sách, tài liệu luân chuyển giữa các bản, làng. Có thể thấy, việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL xã, phường, thị trấn là rất cần thiết, là cẩm nang của cán bộ cơ sở đồng thời giúp nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
NHƯNG HIỆU QUẢ CHƯA CAO
Hiện nay, gần như tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng được TSPL. Tuy nhiên, đã gần hai năm, kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, tác động của TSPL trong đời sống người dân vẫn chưa rõ. Nhiều xã, phường xây dựng TSPL chỉ với vài đầu sách, văn bản luật, các loại báo nhưng phần lớn đều đã cũ. Nhiều địa phương đặt TSPL ở khuất bên trong (thường được đặt ở một góc khiêm tốn trong phòng làm việc của cán bộ tư pháp) nên người dân khó tiếp cận. Điều này trái ngược hoàn toàn với tiêu chí “TSPL phải được đặt ở vị trí thuận tiện, dễ thấy và phong phú số lượng đầu sách, báo” như quy định tại Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg.
Ông Trần Thanh Ngân, cán bộ Tư pháp xã Hòa An (huyện Phú Hòa) nhìn nhận: Hàng năm, ngoài khoản kinh phí được hỗ trợ, xã còn trích 500.000 đồng để mua bổ sung các loại sách, văn bản luật. Tuy nhiên, hiện TSPL của xã vẫn còn hạn chế về số đầu sách và hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do cán bộ tư pháp xã phải làm kiêm nhiệm, nhiều lúc không có mặt thường xuyên tại nơi làm việc. Do đó, khi người dân có nhu cầu đến mượn sách thì không gặp được cán bộ tư pháp nên họ không mấy mặn mà trong việc tìm đến TSPL để tham khảo.
Không riêng gì TSPL của xã Hòa An mà hầu hết các TSPL xã, phường ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi “năm thuở mười thì” mới có một người dân đến mượn sách, văn bản luật để tìm hiểu. Đặc biệt, ở những xã thuộc các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân có khi người dân cả năm không đụng tới tủ sách.
Theo lý giải của nhiều cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn: Hiện nay, các phương tiện thông tin phát triển, người dân có thể tự tìm hiểu các văn bản, chính sách pháp luật nên họ ít tìm tới TSPL. Tuy nhiên, lý giải này chỉ đúng với những địa phương có điều kiện; còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân khó mà tự tiếp cận với các chính sách pháp luật…Việc xây dựng, khai thác TSPL cấp xã, phường là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... Do vậy, trong thời gian đến các cơ quan có liên quan cần tìm biện pháp để TSPL xã, phường thật sự trở thành công cụ đắc lực trong việc giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, nâng cao kiến thức pháp luật như mục đích ban đầu mà Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg đề ra.
LỆ VĂN