Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Sơn Hòa đã trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân. Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, hỗ trợ nông dân thoát nghèo, phát triển sản xuất.
Sơn Hòa là huyện miền núi thuần nông với 12.185 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm hơn 88% số hộ trong huyện. Trong những năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhờ sự đóng góp đáng kể của các cấp Hội Nông dân, nhiều hộ biết làm ăn có hiệu quả đã thoát nghèo, nhiều hộ khác còn tích lũy được vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Có được điều đó là nhờ Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ hội viên, quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chương trình hoạt động của các cấp Hội gắn với triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tổng hợp, mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình... để hội viên tham quan học tập. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương như tập trung đầu tư thâm canh sản xuất các loại cây và vật nuôi chủ lực như: mía, sắn và bò lai... Nhờ vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp huyện Sơn Hòa đã được nâng lên rõ rệt. Niên vụ 2010-2011, cây trồng chủ lực của huyện là mía đạt năng suất 62 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay nên đời sống nông dân thêm sung túc.
Với mong muốn đem đến cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống ổn định và phát triển, cán bộ Hội Nông dân đến từng gia đình vận động, tuyên truyền các chủ trường, đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước, giải thích cho hội viên, nông dân hiểu việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoặc sau khi hoàn thành lớp tập huấn mình được những kiến thức gì như: thời kỳ bón phân cho cây mía, chăm sóc cấy trong giai đoạn nào... Tiêu biểu như anh Kờ Sô Tít, 35 tuổi, người dân tộc Chăm ở xã Sơn Phước sau khi theo lớp về, anh đã hiểu thời điểm trồng mía thích hợp và cách thức bón phân sao cho đúng cách, giúp tăng năng suất. Nhờ vậy, mía của anh đạt năng suất cao, khi thu hoạch trừ chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với các mùa vụ trước. Bây giờ, anh không chỉ làm theo cách của các giáo viên giảng dạy mà còn nhiệt tình tham gia vận động bà con trong buôn, trong xã làm theo.
Ông La Xuân Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa, cho biết: Để nâng cao hiệu quả tư vấn hỗ trợ nông dân, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hội sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
QUỐC HÙNG