KIM CHI
Từ năm 2009, dự án hỗ trợ trẻ em lang thang do Bộ LĐ-TB-XH, với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu đã được triển khai tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc (trong đó có Phú Yên). Đến nay đã có nhiều hợp phần phát huy hiệu quả.
Các cán bộ xã, phường, đoàn thể trong tỉnh họp nhóm công tác truyền thông, tìm giải pháp hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia - Ảnh: K.CHI
Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có 114/116 trẻ em lang thang hồi gia bền vững, 95% hộ gia đình tham gia dự án đã được tư vấn, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em, tránh để trẻ lang thang xin ăn, bán vé số, đánh giày...
Ông Võ Văn Binh, điều phối viên dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia của tỉnh Phú Yên cho biết: Phần lớn trẻ đi lang thang kiếm sống từ 7 đến 16 tuổi, độ tuổi cần được học tập, vui chơi để phát triển toàn diện về thể chất và tâm hồn. Do đó, các em cần phải được bảo vệ đặc biệt và người lớn phải đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
Đến nay, Phú Yên đã thành lập được 11 câu lạc bộ (CLB) trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang, với 393 trẻ. Mỗi CLB có 25-35 trẻ, định kỳ 2 tuần sinh hoạt một lần vào ngày chủ nhật với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng. Các CLB xây dựng diễn đàn để các em tự nói lên những nguy hiểm mà bản thân phải đối mặt mỗi khi đi bán vé số hay đi giúp việc… để các bạn tham gia sinh hoạt cùng biết; truyền thông nội dung của dự án, tổ chức các hoạt động vẽ tranh, văn nghệ, các môn thể thao, dã ngoại để thu hút trẻ tham gia. Đây là một hình thức sinh hoạt có hiệu quả, tạo được sự ham thích của trẻ. Nhiều em dù đi đâu hay làm bất cứ việc gì nhưng đến ngày chủ nhật đều có mặt để tham gia sinh hoạt cùng mọi người. Theo ông Võ Văn Binh, qua khảo sát, 100% trẻ tham gia sinh hoạt có nhận thức tốt về dự án cũng như quyền và bổn phận của trẻ đối với gia đình, bản thân và cộng đồng xã hội. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đã tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ dự án, các ban ngành đoàn thể thường xuyên xuống địa bàn tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình lựa chọn mô hình sản xuất chăn nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Bí thư Xã Đoàn, Chủ nhiệm CLB trẻ em xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) nói: “Xã Hòa Quang Bắc có 10 trẻ lang thang và 131 trẻ em có nguy cơ lang thang. Thông qua các buổi sinh hoạt chính, các em đã từng lang thang kiếm sống nói lên những khó khăn, tai nạn, nguy cơ, hiểm họa mà các em gặp phải. Các em cũng nói lên được những ước mơ, đồng thời khuyên các bạn còn lại đừng bao giờ đi lang thang kiếm sống; các em biết chữ thì giúp đỡ các em không biết chữ, dần dần, các em xóa được tự ti, mặc cảm và thấy được niềm tin trong cuộc sống”. Em Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1997 ở xã Hòa Quang Bắc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải theo bố mẹ lang thang vào TP Hồ Chí Minh bán vé số. Khi có dự án, chị Loan đã đến tận nhà vận động gia đình kêu gọi Thủy hồi gia. Sau khi Thủy về, chị Loan thường xuyên đến thăm hỏi, động viên em cố gắng tiếp tục học chữ và học nghề.
Ông Châu Minh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Tháng 7/2009, dự án hỗ trợ trẻ em lang thang được triển khai tại xã Hòa Bình 1. Qua khảo sát, toàn xã có 22 trẻ em lang thang và 124 trẻ em có nguy cơ lang thang. Thông qua các buổi sinh hoạt của chi, tổ hội Nông dân, chúng tôi lồng ghép các nội dung của dự án này vào để nâng cao trách nhiệm nuôi dạy con cái của nông dân, nhờ đó 100% trẻ lang thang đã hồi gia; 146 trẻ và hộ gia đình tiếp cận, nhận hỗ trợ về giáo dục, y tế; tiếp cận với vốn vay tín dụng ưu đãi, học nghề; hỗ trợ đột xuất khi gia cảnh khó khăn.
KIM CHI