Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại vùng biển Phú Yên có gió giật cấp 6, cấp 7 kết hợp với triều cường. Tại xóm An Vũ, thôn 5, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) xuất hiện sóng lớn phủ lên nóc nhà, đe dọa cuộc sống người dân.
Gia đình ông Nguyễn Thọ thuê xe chở đá gia cố lại bờ kè bị sạt lở đợt triều cường vừa qua - Ảnh: H. NAM
MẤT NGỦ VÌ SÓNG BIỂN
Nhiều ngày qua, gần 100 hộ dân xóm An Vũ phải sống trong tâm trạng lo sợ trước những đợt sóng lớn khi thủy triều lên. Theo người dân địa phương, những cột sóng dữ dồn dập vào ban đêm đã cuốn gần 100m kè tự đắp, cùng hàng chục mét khối đất đá ra biển. Ông Nguyễn Thọ, ở xóm An Vũ cho biết: “Hầu hết nhà bếp của các hộ dân sống dọc bờ biển trong xóm đều bị sạt lở. Từ đêm đến mờ sáng, sóng biển đập dữ dội hơn, cuốn toàn bộ vật dụng nấu ăn xuống biển”.
Lo sợ những đợt triều cường “bứng” móng nhà, ông Trọng phải bỏ ra gần 1,5 triệu đồng để thuê xe chở đá gia cố lại bờ kè. Gần bên, ông Võ Kêu huy động cả nhà nhặt từng viên đá của bờ kè vừa bị sóng đánh sập vùi sâu trong cát để đắp lại kè mới chắn sóng. Theo ông Kêu, có lúc sóng biển vượt qua bờ kèn bổ xuống mái tôn nhà mà nghe chát chúa. Năm nay triều cường hung tợn hơn mọi năm nên phải thuê xe chở đá gia cố lại bờ kè để đảm bảo an toàn. Cùng chung số phận, nhà ông Nguyễn Nhì cũng bị sóng biển đánh sập kè, gây xói lở đến tận chân móng nhà bếp. Ông Nhì than vãn: “Trước khi có áp thấp nhiệt đới, bờ kè cách nhà bếp của tôi gần 5m, giờ thì đã bị nước biển phủ trắng.
Theo các lão ngư ở xóm An Vũ, tình trạng sóng biển gây sạt lở đất đã xuất hiện từ nhiều năm qua và thường xảy ra vào tháng 11 âm lịch hàng năm, khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cả xóm An Vũ nơm nớp lo sợ, ăn, ngủ không yên mỗi khi mùa mưa bão đến, vì không thể lường trước sóng dữ cuốn phăng nhà cửa ra biển lúc nào.
DÂN CHỜ XÂY KÈ
Theo UBND tỉnh, công trình kè An Vũ (kè biển An Ninh Đông) được bố trí vốn để khởi công trong năm 2011, nhưng do hồ sơ dự án chậm nên đến nay vẫn chưa thể khởi công, vì công trình thuộc nhóm dự án tạm dừng triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã báo cáo kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục triển khai trong năm 2012.
Sóng lớn liên tiếp nhiều ngày qua đã gây sạt lở hơn 50m đường trước cửa Đồn Biên phòng An Hải. Đây là tuyến đường độc nhất về xóm An Vũ. Ngay cả trụ điện thoại bằng bê tông cũng bị sóng quật ngã, đường ống thoát nước của Đồn Biên phòng bị sóng biển khoét nằm lộ thiên.
Anh Nguyễn Mạnh Phú, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng An Hải cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, thanh niên Đồn Biên phòng cùng với thanh niên xã An Ninh Đông đắp hơn 500 bao cát gia cố đoạn đường bị sạt lở, đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại. Bờ kè bị cuốn ra biển cũng được đắp lại để ngăn triều cường uy hiếp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Đang loay hoay gia cố lại bờ kè chắn những cơn sóng tiếp tục vỗ mạnh vào tường nhà, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa buồn rầu: “Cách đây mấy năm, nghe nói có dự án xây kè, nhưng đã ba mùa biển động vẫn chưa thấy kè đâu”.
Gần 100 hộ dân ở xóm An Vũ đang sống trong lo âu trước những cơn thịnh nộ của thủy thần. Trước đây, cả xóm có hơn 400 hộ, giờ chỉ còn khoảng 100 hộ, còn lại bị mất nhà hoặc chuyển đi nơi khác vì triều cường uy hiếp. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tuy An cho biết: “Dự án kè chống xói lở An Vũ dài 753m, kinh phí khoảng 70 tỉ đồng, do BQL các dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh làm chủ đầu. Đây là một trong bốn dự án đê kè chống sạt lở và triều cường xâm thực của huyện Tuy An được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
HOÀI NAM-PHƯƠNG NAM