Người Ê Đê ở huyện miền núi Sơn Hòa từ thuở thiếu niên đã biết hút thuốc lá. Hiện nay nhận thức tác hại của việc hút thuốc trong cộng đồng đã được nâng lên, thói quen này đang dần dần được xóa bỏ.
Thói quen hút thuốc lá của phụ nữ dân tộc thiểu số rất có hại cho sức khỏe - Ảnh: Q.HÙNG
HÚT THUỐC TỪ THUỞ LÊN CHÍN
Vượt quãng đường gần 10km từ thị trấn Củng Sơn, chúng tôi có mặt tại xã Suối Trai. Nhìn thấy một cụ bà hơn 60 tuổi mang gùi chuẩn bị lên rẫy, miệng rít phà điếu thuốc được vấn bằng lá chuối thật to, tôi liền hỏi anh bạn đi cùng thì biết đây là chuyện thường ngày ở xã!
Theo ông Kpá Y Luân, Trưởng buôn Xây Dựng, trước đây ở độ tuổi 9-10 không ai mà không biết hút thuốc. Để minh chứng, ông Y Luân dẫn chúng tôi tới nhà Mí Khiêm, 42 tuổi nhưng có thâm niên hút thuốc trên… 30 năm!
Xa xa, một phụ nữ với nước da ngăm đen đang ngồi lúi húi sắp xếp mấy lá thuốc lá khô vào bao, Y Luân nói Mí Khiêm đấy. Vào nhà sàn, chúng tôi rất ngỡ ngàng vì đầy màu xanh, nâu của thuốc. Khi chúng tôi hỏi về việc quấn thuốc lá với lá chuối, Mí Khiêm kể: “Mí biết hút thuốc lúc 10 tuổi. Xuất phát từ việc cha mẹ hút thuốc, bảo con đi xuống bếp lấy lửa mồi thuốc. Mồi thì phải bập phà, thế là nghiện hồi nào không hay. Một ngày không hút một điếu là không chịu được, mặc dù đã cố gắng bỏ thuốc rồi nhưng không được”.
Cách đó không xa là nhà Mí Tiên. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng điếu thuốc quấn bằng lá chuối luôn được Mí đem theo bên mình. Mí Tiên thổ lộ: “Tôi biết hút thuốc từ năm 12 tuổi. Hồi đó, phải thức dậy sớm nấu cơm để đi rẫy, do trời lạnh, thế là lén cha mẹ quấn thuốc hút cho ấm bụng. Ai ngờ nghiện luôn tới giờ. Mặc dù biết không nên hút thuốc lá, nhưng hồi đó cha mẹ không ngăn cấm. Thế là đàn bà con gái ai cũng rít phà như đàn ông con trai, rồi dần dần trở thành thói quen. Có lần tôi ho gần một tháng, chồng con khuyên bỏ thuốc lá, nhưng không bỏ được”.
TẬP TỤC DẦN XÓA BỎ
Thuốc lá trong tiếng Ê Đê gọi là hót, được làm từ thuốc lá phơi khô quấn với lá chuối tươi. Lá thuốc được bà con trồng trên rẫy, đến kỳ thu hoạch thì đem phơi khô từ một đến hai tháng. Sau đó, cắt nhỏ và quấn lá chuối khi dùng. Sở dĩ, bà con quấn thuốc với lá chuối vì giữ được mùi vị của thuốc, giúp người hút được sảng khoái hơn (?!). Chính vì trở thành thói quen nên điếu hót trở thành người bạn không thể thiếu đối với những phụ nữ lớn tuổi, như Mí Khiêm, Mí Tiên.
Kpá Y Luân cho biết: “Hiện nay con gái Ê Đê ở độ tuổi 9-10 không còn hút thuốc nữa. Vì khi đến trường, bản thân các em đã được giáo dục và ý thức rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các bậc phụ huynh nhận thức được tác hại của việc hút thuốc lá, nên đã vận động các thành viên trong gia đình bỏ thuốc và họ cũng không cho con nhỏ hút như lúc trước. Hiện tại, trên địa bàn xã chỉ còn những phụ nữ lớn tuổi còn hút thuốc”. Hờ Siêng ở buôn Độc Lập A, xã Ea Chà Rang nói: “Em xem ti vi thấy con gái miền xuôi không ai hút hết. Với lại, ở trường chúng em cũng được các thầy cô bảo hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, dễ bị ung thư phổi. Hơn nữa, hút thuốc miệng bị hôi nên khi tiếp xúc mọi người sẽ né tránh”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Trai Bùi Thị Hương nói rằng, bây giờ nhận thức của người phụ nữ dân tộc thiểu số Ê Đê về vấn đề hút thuốc lá dần được thay đổi. “Bên cạnh việc người dân dần ý thức được mức độ nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe, hằng năm, chúng tôi còn phối hợp lồng ghép vào các cuộc họp, tuyên truyền vận động chị em bỏ thuốc. Qua đó, những ai hút thuốc thì bỏ thuốc, còn những người có con nhỏ thì không cho chúng hút. Vì vậy, nhiều thôn, buôn trong xã, không có con gái hút thuốc lá.” – chị Hương vui mừng nói.
HÙNG TÂN