Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân triển khai tốt chương trình tạo việc làm cho người nghèo, mang lại hiệu quả đáng khích lệ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của họ.
Các học viên tham gia lớp nghề sản xuất chậu cảnh, bonsai ở Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân - Ảnh: K.CHI
CẦM TAY CHỈ VIỆC
Từ đầu năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân đã triển khai 10 lớp dạy nghề miễn phí như: chế biến món ăn, may công nghiệp, cơ khí hàn, mây tre đan, sản xuất chậu cảnh, bonsai, kỹ thuật sửa chữa điện dân dụng… đã tạo thêm việc làm, giảm bớt phần nào khó khăn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nghèo nông thôn trên địa bàn huyện.
Tại lớp học sản xuất chậu cảnh bonsai, nhiều lao động đã rất vui mừng khi lần đầu tiên có một nghề và có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Chị Trịnh Thị Sen ở thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân), hớn hở khoe: “Lúc mới học, tôi thấy khó nhưng dần dần cũng quen và bây giờ thì rành rồi. Tôi chỉ mong học nghề xong, kiếm được tiền để sinh sống là được”. Để tham gia lớp học này, từ ba tháng trước, chị Sen đã sắp xếp chuyện nhà, tạm ngưng công việc đồng áng, yên tâm đến lớp.
Vừa khéo tay đưa bàn xoay để làm ra chậu cảnh, chị Nguyễn Thị Dâng, ở đội 8, thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, vui vẻ nói: “Đây là “sản phẩm đầu tay” của tôi sau ba tháng đi học”. Chị cho biết, nhà có bốn người nhưng cũng chỉ được vài sào ruộng. Hạt lúa làm ra chẳng được bao nhiêu nên suốt mấy năm qua gia đình chị cứ rơi vào cảnh đói nghèo. Ở quê có vài ba cơ sở sản suất chậu cảnh, bonsai nên khi được thông báo có lớp học cho hộ nghèo, chị đăng ký, sắp xếp công việc nhà rồi đi ngay. Lần này, được học nghề miễn phí và có cơ hội có được nghề để về quê làm việc, chị Dâng rất mừng và học chăm chỉ, siêng năng. Chị bộc bạch: “Học nghề xong, tôi hy vọng sẽ có thêm thu nhập lúc nông nhàn”. Anh Trịnh Văn Sơn, khu phố Long Hà, thị trấn La Hai nói: “Được học nghề miễn phí nên tôi cũng ham lắm, thời gian rảnh tôi đến vài cơ sở sản xuất chậu cảnh ở La Hai nhận làm để kiếm thêm tiền giúp gia đình. Tôi rất mừng và cảm ơn trung tâm dạy nghề”. Ông Mạnh Lê Hiên, giáo viên trực tiếp dạy nghề ở trung tâm cho biết: Sau ba tháng học, các anh, chị đã khá thạo nghề và làm được nhiều sản phẩm. Sau khi học xong, họ có thể về địa phương tham gia sản xuất ở các cơ sở nghề, kiếm thêm thu nhập.
ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU ĐỊA PHƯƠNG
Ông Đỗ Đức Tánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân, cho biết: Ngoài việc đào tạo tại chỗ, trung tâm đã xuống tận các thôn, buôn để tư vấn việc học nghề phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của người lao động, vừa phù hợp với trình độ nhận thức, vừa phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động”. Đồng thời, trung tâm còn tạo ra mối quan hệ với các doanh nghiệp trong vàngoài huyện, sẽ giới thiệu cho người lao động vào làm việc; cũng có thể nhận hàng về gia công tại nhà. Để giúp người nghèo phấn khởi học nghề, ngoài việc miễn học phí, mỗi người nghèo được hỗ trợ 495.000 đồng/khóa học, và được trợ giúp tìm việc sau khi học. Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân sẽ tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề, giúp người lao động có việc làm, thêm thu nhập và ổn định đời sống một cách bền vững.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó phòng LĐ-TB-XH huyện Đồng Xuân, cho biết: “Sở dĩ, chúng tôi mở các lớp nghề sản xuất chậu cảnh, bonsai vì phù hợp với sở thích người dân và điều kiện ở địa phương. Mặt khác, thời gian qua, huyện đã tổ chức và duy trì khá tốt mô hình gia công các sản phẩm mây tre đan cho các doanh nghiệp: Lộc Thu, Quỳnh Hưng trên địa bàn huyện. Các cơ sở đều nhận tất cả lao động có tay nghề, làm sản phẩm, với thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 50.000 đồng. Đó là cơ hội tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho chị em lúc nhàn rỗi”.
HOÀNG LÊ