Không chỉ nhiệt tình đi vận động trợ giúp cho các gia đình nghèo trong buôn làng, các chị còn là những cán bộ dân vận cơ sở hết lòng để chăm lo xây dựng buôn làng giàu mạnh.
1. Ở buôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) không ai không biết chị La Thị Nhung. “Bà con ở đây thấy mình hay đi tuyên truyền vận động nhiều việc ở buôn nên biết đấy”, người phụ nữ dân tộc Ba Na nhìn chúng tôi cười thân thiện. Nhanh nhẹn, nhiệt tình, xông xáo, hết lòng với mọi người. Những đức tính ấy đã giúp cho bà con ở Xí Thoại mỗi ngày thêm yêu mến chị. Chị tâm sự: “Mình giúp được việc gì cho bà con Ba Na, cho buôn làng là mình vui lắm; Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, ngủ cũng ngon hơn”. Mười mấy năm đảm trách công tác phụ nữ, dân số, trẻ em, y tế thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn… của buôn Xí Thoại, chị Nhung biết được phụ nữ nói riêng và người dân tộc Ba Na trong buôn nói chung đang gặp phải vấn đề khó khăn gì, cần sự trợ giúp ra sao. Bởi thế mà chị đã cùng với các cán bộ khác ở buôn vận động bà con tham gia chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương; gần gũi, quan tâm, tạo điều kiện giúp phụ nữ nghèo vay vốn làm kinh tế; vận động trẻ em trong buôn đến trường đúng độ tuổi, tuyên truyền vận động bà con Xí Thoại tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Từ sự góp sức của chị, cuộc sống của phụ nữ Xí Thoại bớt khó khăn hơn, nhiều gia đình đã ý thức được việc sinh ít con để chăm lo nuôi dạy cho tốt, có nhiều thời gian cho việc chăn nuôi, làm nương rẫy để cải thiện cuộc sống.
Chị Nhung trăn trở: “Người đồng bào dân tộc chỉ thoát khỏi cuộc sống khó khăn nếu biết được cái chữ, không thể cả cuộc đời cứ quanh quẩn trên rẫy”. Thấy việc “học cái chữ” có ý nghĩa rất quan trọng đến tương lai của lớp trẻ trong buôn, một mặt chị Nhung đi vận động các gia đình quan tâm hơn nữa đến chuyện học của con em, mặt khác bản thân vợ chồng chị “nêu gương” cho nhiều cặp vợ chồng trẻ trong buôn học theo bằng cách cho ba người con của mình ăn học đàng hoàng. Hiện giờ, người con trai đầu của chị là La Chí Dũ học năm cuối đại học ở Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật thông tin liên lạc; cô con gái thứ hai La Chí Diễm đang học năm thứ ba tại Trường đại học Phú Yên; cô con gái út La Thị Duyên, học lớp 11 tại Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân). Điều chị Nhung vui hơn cả là không chỉ có gia đình mình mà nhiều bà con khác trong buôn bây giờ ngày càng quan tâm đến tương lai con em sau này.
Bí thư buôn Xí Thoại La Lan Ty nói rằng chị Nhung đã góp sức không nhỏ trong việc giúp buôn làng Xí Thoại ngày càng no ấm, yên vui.
2. Về xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) chúng tôi còn được biết thêm một cán bộ Hội cơ sở người đồng bào dân tộc Ê Đê luôn hết lòng với đời sống của chị em nghèo nơi đây. Đó là mí Hoan, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Hoàn Thành. Toàn thôn có 54 hộ, trong đó chỉ có 2 hộ người Kinh, còn lại là dân tộc thiểu số Ê Đê. Đời sống của chị em ở đây chủ yếu là làm rẫy nên cuộc sống rất bấp bênh. Xuất phát từ thực tế đời sống còn nhiều khó khăn của bà con trong buôn, năm 2009, mí Hoan đã phát động phong trào “Hũ gạo tình thương” hưởng ứng việc học và làm theo gương Bác đang triển khai tại đây. Phong trào này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của bà con trong buôn làng vì ý nghĩa đùm bọc, sẻ chia khó khăn. Từ 3kg gạo tháng đầu tiết kiệm đến nay số gạo tiết kiệm đã tăng lên trên 100kg. Từ số gạo này, chi hội đã giúp cho gia đình H‘Dưới, mí Giáo và nhiều gia đình nghèo khó khác trong buôn. Mỗi gia đình được nhận 20kg gạo từ sự đóng góp của bà con trong buôn làng. Ngày nhận gạo, H‘Dưới rơm rớm nước mắt xúc động. Chồng mất, con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của bà con, của mí Hoan, không biết mẹ con chị sẽ ra sao.
Bên cạnh triển khai mô hình hũ gạo tình thương, mí Hoan còn vận động chị em xây dựng tổ tiết kiệm, tổ phụ nữ vần công giúp nhau làm nương rẫy. Thông qua những việc làm này, Mí Hoan đã giúp chị em trong buôn xây dựng tình đoàn kết thân ái, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau lúc tắt lửa tối đèn. Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Trai Bùi Thị Hương nhận xét: Mí Hoan dù lớn tuổi nhưng luôn chịu khó, nhiệt tình, năng nổ với phong trào phụ nữ ở địa phương, nhất là trong phong trào vận động chị em trong chi hội tham gia phong trào hũ gạo tình thương. Số gạo tuy ít ỏi nhưng đã góp phần tạo điều kiện giúp đỡ cho những gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong buôn.
THỦY VĂN