Hiện nay, tỉ số giới tính khi sinh ở các xã Hòa Tân Tây, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) là 112-114 bé trai/100 bé gái.
Bà bầu Huỳnh Thị Thu Trinh (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) cho rằng: dinh dưỡng là quan trọng nhất đối với thai nhi - Ảnh: T.DIỆU
Các cặp vợ chồng ở những địa bàn này thường lựa chọn giới tính khi sinh chủ yếu là do vấn đề tư tưởng. Họ vẫn nghĩ gia đình có nếp có tẻ là hơn cả, song con trai vẫn có một vị trí quan trọng trong việc duy trì giống nòi, nối dõi và nuôi cha mẹ về già. Hiện nay, Nhà nước ta lại đang thực thi chính sách khuyến khích “mỗi gia đình nên có từ 1 đến 2 con”, thì quyết định phải sinh con đầu là con trai đã trở thành “mốt” với nhiều gia đình.
Một nguyên nhân khác cũng đang trở thành vấn đề tồn tại là nhiều gia đình có kinh tế khá giả có mong muốn sinh thêm con thứ 3. Họ đã tìm tới bác sĩ để tìm hiểu về cách thức thụ thai, các chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng để được tư vấn về thức ăn để có thể sinh được con trai. Bà Nguyễn Thị Rơi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Hòa cho rằng, phần lớn phụ nữ ở huyện sinh con trai cho rằng do chế độ ăn uống nhằm lý giải về nguyên nhân cơ bản. Bà Rơi cho biết: “Trên các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến nhiều loại tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để sinh con trai. Mặc dù không phải do can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật hiện đại, nhưng huyện Tây Hòa cũng là một địa phương có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao”.
Hiện tượng thanh niên “ganh gái” không cho thanh niên xã khác vào xã mình tìm người yêu, kiếm vợ dẫn đến ẩu đả là biểu hiện cục bộ ở một số xã của huyện Tây Hòa, song cũng báo động cho một vấn đề phức tạp hơn nếu tỉ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khoảng chừng 10 năm nữa, không chỉ có trai làng mà xét chung về mặt xã hội sẽ có cả triệu thanh niên Việt Nam không kiếm được vợ. Thực trạng này kéo theo những tệ nạn nảy sinh như: mại dâm, buôn người, các bệnh về tinh thần như trầm cảm nam…
Tỉ số giới tính sơ sinh (số trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) bình thường là (103-107/100).
Khác với các xã trên, Hòa Phú là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Chị Võ Thị Dung, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Phú chia sẻ, tính đến tháng 10 năm nay, toàn xã có 50 trẻ sơ sinh là bé trai và 50 trẻ sơ sinh là bé gái. Kết quả này nhờ công tác vận động tuyên truyền của cộng tác viên và lồng ghép vào các hoạt động của Hội liên hiệp Phụ nữ xã. Sắp tới, họ sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền đến đối tượng là nam giới qua sinh hoạt Đoàn Thanh niên. “Hiện trạng mất cân bằng giới tính là một vấn đề quan trọng mà chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ”, bà Nguyễn Thị Rơi cho biết.
TUYẾT TRẦN