Buôn Gia Trụ (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) nằm dưới chân núi Hòn Mù, cách trung tâm xã về hướng đông hơn 5km. Những năm trước đây, khi đất trời giao mùa thu - đông là bà con ở nơi vùng sâu này lại phải vất vả chạy bữa mùa giáp hạt. Hôm nay cái lo toan thường ngày ấy đã không còn.
Được mùa lúa ở buôn Gia Trụ - Ảnh: L.KHA
Chúng tôi về buôn Gia Trụ trong những ngày cuối tháng mười âm lịch, tiết trời miền núi se se lạnh, bà con đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ mùa lác đác trên những nương rẫy. Còn tại cánh đồng Rù Rì, Ae Túc, bà con đang cày ruộng chuẩn bị cho vụ lúa đông - xuân sắp tới. Trưởng buôn Gia Trụ Ma Nghiệp cho biết: Ngoài Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư xây dựng đập ngăn nước ở suối Rù Rì, bà con còn tận dụng nguồn nước trấp sình ở suối Ae Túc, Ae Quây để làm lúa nước 2 vụ hàng năm gần 30ha và gieo trồng lúa thổ rẫy trên 10ha. Người dân được Hội Nông dân, Phòng NN-PTNT huyện tập huấn kỹ huật, hướng dẫn đầu tư thâm canh lúa nước như chọn các loại giống mới, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, đưa nước về ruộng theo chu kỳ sản xuất… nên năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha, bà con phấn khởi lắm. Oi Đánh bộc bạch: “Lúa mùa tháng ba năm nay mỗi nhà cũng còn vài bao, bà con tiếp tục thu hoạch mùa lúa mới tháng mười. Chuyện thiếu lương thực mùa giáp hạt của bà con ở đây không còn”.
“Ở buôn Gia Trụ còn trồng sắn, bắp, mía, đậu đỗ các loại… trên 40ha, sản xuất lúa tự cấp lương thực tại địa phương, còn những nông thổ sản là hàng hóa tiêu thụ có trang trải trong cuộc sống gia đình như mua thực phẩm, nuôi con ăn học”, già làng Oi Troan nói. Đi một vòng quanh buôn Gia trụ mới cảm nhận hết sự đổi thay. Nhà xây cấp 4, nhà sàn lợp ngói, lợp tôn thay dần nhà tranh tre tạm bợ.
Buôn Gia Trụ đổi thay như hôm nay còn là nhờ người dân phát triển mạnh chăn nuôi bò. Hiện buôn này có hơn 120 con bò. Người dân bán bò để xây cất nhà cửa, mua sắm các phương tiện sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe máy… Nhiều hộ ở buôn Gia Trụ vừa trồng lúa nước, vừa trồng sắn, mía với hơn 3ha, chăn nuôi bò hơn 15 con; tiêu biểu như các hộ: Ma Tiên, Ma Khánh, Oi Chạp, Ma Toàn…
Ông Bá Thanh Xòe, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân, cho biết: “Nhờ các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ đầu tư về điện, nước, trường học, nhà rông… làm cho buôn Gia Trụ đổi thay rõ rệt”. Nhiều bà con ở đây tâm sự, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho họ một phần nào thôi, còn lại họ phải tự lực, tự cường, khai thác lợi thế tiềm năng đất đai để vươn lên, từng bước xóa nghèo. Họ có được tư tưởng đó vì cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở xã luôn hướng về cơ sở để tuyên truyền, giáo dục, động viên nên đã không ỷ lại trông chờ cấp trên.
Trong những năm kháng chiến, buôn Gia Trụ là căn cứ cách mạng, nơi đóng quân của đơn vị Ngô Quyền, Quân khu 5; xưởng rèn, cơ khí của Tỉnh đội Phú Yên; Bệnh viện Hồ Tây… Những năm tháng khó khăn đã qua đi, với sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, diện mạo buôn Gia Trụ đã thay đổi sâu sắc và sẽ còn nhiều khởi sắc hơn nữa trong những năm tiếp theo.
LÊ KHA