Những chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo như tín dụng, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ y tế, giáo dục, xóa nhà tạm, xây dựng cơ sở hạ tầng... được các cấp, ngành huyện Sơn Hòa thường xuyên quan tâm. Nhờ vậy, những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2006-2010 tạo bước ngoặt mới trong xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi này.
Mô hình trồng mía ở xã Sơn Hà giúp dân thoát nghèo - Ảnh: K.CHI
NHIỀU HỘ THOÁT NGHÈO
Nhờ thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững…, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Sơn Hòa đã giảm nhanh từ gần 37% (năm 2006) xuống còn 14% (năm 2010) và dự kiến năm 2011 tỉ lệ hộ nghèo sẽ giảm 2,5-3%. Người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý... Ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sơn Hòa, các ngành, các cấp quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội; công tác giảm nghèo đã thu hút được mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên một phong trào sâu rộng. Mỗi giai đoạn tuy có những nội dung, giải pháp khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao mức sống của người dân, giảm nhanh tỉ lệ hộ dưới ngưỡng nghèo. Nhờ đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Ông Đoàn Phi Công, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, nói: Nhờ áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào canh tác trồng trọt, và một phần nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho bà con hộ nghèo vay để phát triển sản xuất đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và tiến tới thoát nghèo. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo đang phát huy có hiệu quả, như tổ nhóm tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, phát triển kinh tế vườn, hướng dẫn hộ nghèo, đồng bào dân tộc thâm canh cây lúa nước... Ông Ma Trem, buôn Ma Đao, xã Cà Lúi, cho biết: “Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình tôi xây cất nhà cửa khang trang, mua sắm xe máy, ti vi, có mua lương thực, thực phẩm”. Còn Mí Giếng ở thôn Tân Thuận, xã Sơn Hội, bộc bạch: Mấy năm trước gia đình tôi khổ lắm, nhưng nay có đất, có mía, được nâng cao kiến thức về khuyến nông do huyện tổ chức, biết đầu tư thâm canh đúng theo quy trình, nên năng suất mía đạt cao”.
ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Tuy tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng kết quả giảm nghèo ở Sơn Hòa chưa bền vững, số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn, tỉ lệ hộ tái nghèo hằng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp... Đó là những thực tế mà Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Thanh Lai nhìn nhận. Ông Lai cho biết thêm: Nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đã được ban hành nhưng còn mang tính ngắn hạn, chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép tập trung vào mục tiêu giảm nghèo. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên của từng hộ dân. Đồng thời, công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng ở một số xã chưa gắn liền với công tác giảm nghèo. Do vậy, nhiều hộ có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp, không có nguồn tích lũy và thường dẫn đến tái nghèo.
Trong giai đoạn 2011-2015, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Hòa. Huyện tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung vào các nội dung: tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo bền vững; tăng cường giám sát, đánh giá các chính sách giảm nghèo tác động đến đối tượng thụ hưởng. Địa phương phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo, bình quân 2,5-3%/năm theo chuẩn mới; tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
KIM CHI