Những đứa trẻ sinh ra bị mắc các bệnh khiếm khuyết về trí tuệ, câm điếc gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Tình thương của các bậc cha mẹ, ông bà không sao kể xiết khi họ vượt khó cùng con, cháu để hy vọng đem lại cho chúng một tương lai tươi sáng hơn.
Tranh thủ giờ giải lao, các phụ huynh săn sóc các cháu - Ảnh: T.THỦY
Học sinh Trường Niềm Vui là những đứa trẻ rất đặc biệt. Có lẽ vì thế, không ít các bậc phụ huynh cũng trở nên đặc biệt khi đồng hành cùng con trên bước đường đến trường.
Hơn hai năm nay kể từ ngày bé Nguyễn Thanh Phương (5 tuổi, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) được gia đình đưa vào học ở Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa), bà Nguyễn Thị Nhi (56 tuổi), ngoại của Phương ngày ngày đồng hành cùng cháu. Bất kể trời mưa hay nắng, cứ 5g sáng bà bật dậy chuẩn bị các thứ, rồi đến 5g45, hai bà cháu cùng lên xe buýt để vào TP Tuy Hòa. Xe buýt dừng tại trạm gần Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (đường Trường Chinh), hai bà cháu phải dắt nhau đi bộ tới trường, hôm nào gặp may thì họ được người đi đường chở giúp.
Bà Nhi cho biết, khi Phương được 6 tháng tuổi thì gia đình phát hiện cháu bị bại não, đã đưa đi Sài Gòn để điều dưỡng và điều trị nhiều năm nhưng không có kết quả tốt hơn. Trong năm đầu, khi Phương được mẹ gởi vào Trường Niềm Vui để học, cháu khóc suốt. Thấy các con thay nhau đưa, đón cháu ngoại vất vả, ảnh hưởng đến việc làm, bà Nhi tình nguyện giúp con, giúp cháu. “Tui ở nhà quê, chuyện ruộng vườn đành để con trai lo. Muốn cha mẹ cháu yên tâm cho công tác giảng dạy tại địa phương, tui đưa cháu đi học hàng ngày”, bà Nhi nói.
Một năm ròng, Phương khóc hoài nên cháu đâu bà đó. Bà Nhi vẫn phải vào lớp để phụ cô giáo dỗ cháu. Khi Phương quen trường lớp, bạn bè, bà ra ghế đá ngồi đợi đến hết buổi học. Bà Nhi kể: “Mỗi ngày đi về hết 36.000 đồng cho tiền xe, cộng thêm tiền ăn, nước uống của hai bà cháu khoảng 20.000 đồng nữa thì… hết cả phần lương tháng của mẹ nó. Tuy vậy, cái khó nhất vẫn là lúc đi xe, thằng bé ít khi ngồi yên mà hay khóc và nghịch. Còn hôm nào trời mưa, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trên đoạn đường đi bộ từ trạm dừng xe buýt đến trường và ngược lại. Buổi chiều, gia đình tiếp tục đưa Phương đến nhà trẻ tư để hòa nhập với bạn bè”. Vất vả là vậy, song khi thấy cháu biết cách ra dấu nhờ mở ti vi, đòi uống nước... thì bà thấy vui. Bà Nhi và cha mẹ cháu Phương đang ngày ngày hy vọng cháu sẽ tiến triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) có con là Nguyễn Công Linh, 7 tuổi, học lớp 1 dự bị tại Trường Niềm Vui. Chị Hoa nói: “Điều kiện gia đình tôi rất khó khăn, lại ở xa. Lâu nay tôi chỉ biết làm nông, giờ cho con đến TP Tuy Hòa học nên tôi phải nhận vé số bán để kiếm tiền đổ xăng đưa con đi học mỗi ngày”.
Với chị Hồ Thị Hiền Trang, người đã 3 năm theo con đi học: “Đến đây gặp nhiều người cùng cảnh ngộ nên chúng tôi phần nào được an ủi. Nhà ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa nên tôi không cho con ở bán trú mà mỗi ngày bốn lần đưa đón con. Bé Bùi Thị Cẩm Tiên của chúng tôi có bạn, bè và viết chữ đẹp, vợ chồng tôi quyết tâm sẽ giúp con đến cùng. Con không may bị khuyết tật, nếu cha mẹ không quan tâm nữa thì sẽ quá bất hạnh cho con. Mấy ngày qua, chúng tôi nghe có thầy Võ Hoàng Yên ở tỉnh Bình Phước chữa được chứng câm điếc, nên cũng đang bàn tính đưa con đi chữa bệnh”.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Phận (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) thật khốn khó. Không như những gia đình có cả vợ chồng cùng chia sẻ những bất hạnh của con, chị Phận chỉ có một mình gồng gánh. Khi sinh con được 6 tháng tuổi, chồng chị bỏ đi vì không thể chịu khổ khi con mình vừa bị bệnh tim bẩm sinh, vừa bị câm, điếc. Hai mẹ con chị lây lất sống qua ngày, đến khi bé Nguyễn Như Quỳnh được 7 tuổi thì mẹ đưa đi học. Chị Phận kể: “Hai mẹ con chở nhau bằng xe đạp từ sáng sớm, rồi tôi chạy về lại Hòa Thành để kịp làm công cho xưởng nhựa. Mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng, tôi rất khó khăn trong việc xoay xở các khoản chi phí. Bé Quỳnh trước đã được Nhà nước hỗ trợ mổ tim, nhưng giờ sức khỏe vẫn còn rất yếu, 7 tuổi nhưng cháu chỉ nặng 13kg”.
Mỗi nhà một hoàn cảnh, song họ vẫn lặng lẽ vượt khó để làm những việc có trách nhiệm với con, cháu. Hy vọng, niềm vui rồi sẽ đến với họ.
VŨ HOÀNG