Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) xã, phường, đến nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã có TSPL. Đây là một trong những công cụ quan trọng để đưa pháp luật vào đời sống, được người dân đánh giá cao.
Cán bộ quản lý tủ sách pháp luật phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) kiểm tra sách trước khi đưa vào tủ sách để người dân đến tìm hiểu - Ảnh: P.NHÃ
ĐƯA PHÁP LUẬT ĐẾN GẦN DÂN
Hiện có rất nhiều nơi không chỉ đặt TSPL ngay tại xã, phường mà còn tổ chức tuyên truyền pháp luật, đưa sách pháp luật xuống từng cụm dân cư giới thiệu cho người dân. TSPL vừa trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ để áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của Nhà nước, đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Hàng năm các xã, phường đều dự trù kinh phí để trang bị mới các đầu sách nhằm làm phong phú tài liệu tham khảo, các đầu sách đáp ứng nhu cầu của người dân như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo…, đồng thời, phân công cán bộ theo dõi, quản lý việc mượn, trả sách và có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu để người dân tìm hiểu pháp luật.
Thực tế cho thấy, những nơi xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả các TSPL, trình độ dân trí của người dân được nâng lên rõ rệt. Số vụ vi phạm pháp luật, mâu thuẫn cá nhân giảm hẳn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Ông Hoàng Nghi, một nông dân xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cho biết: “Sách pháp luật rất cần thiết cho người dân. TSPL của xã đặt ở nơi rất thuận tiện nên khi đến liên hệ công việc hay rảnh rỗi là tôi đến mượn về nhà xem. Sách ở đây được cập nhập thường xuyên nên đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước”. Còn ông Trương Huy Phong, ở cùng xã với ông Nghi, nói: “Nghiên cứu sách pháp luật từ TSPL giúp tôi hiểu rõ từng điều, khoản. Chỗ nào phức tạp, khó hiểu thì được cán bộ tư pháp giải thích, hướng dẫn”.
Theo ông Lê Văn Hổ, Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), TSPL đã góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, đồng thời là cẩm nang của cán bộ cơ sở trong công tác chuyên môn.
CẦN PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Bên cạnh những nơi hoạt động hiệu quả cũng có không ít nơi TSPL chưa phát huy hết hiệu quả. Tính hiệu quả của TSPL chưa cao có rất nhiều lý do. Cụ thể, khi mới thành lập TSPL, số lượt người đến tìm hiểu rất đông, nhưng hiện nay chỉ khi nào có vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi thì người dân mới đến nghiên cứu do nhiều người có tâm lý ngại đọc sách pháp luật, nhất là ngại thực hiện các thủ tục mượn, trả sách. Điều đáng quan tâm là, nhiều xã, phường xây dựng TSPL chỉ với một vài đầu sách, văn bản luật nhưng phần lớn đã cũ, nơi đặt TSPL không thuận lợi nên người dân khó tiếp cận. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp xã lại hoạt động kiêm nhiệm nên không thể có mặt thường xuyên tại nơi làm việc, khi người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật đến mượn sách không gặp được cán bộ, nhiều lần như vậy dẫn đến việc họ không còn mặn mà với TSPL. Đặc biệt, ở những xã miền núi, TSPL lại càng ít có tác dụng, người dân ít khi đến tìm hiểu.
Theo nhiều cán bộ tư pháp ở cơ sở, hiện nay, cơ sở vật chất để phục vụ người dân đến đọc sách còn thiếu thốn rất nhiều. “Để việc xây dựng TSPL không mang tính hình thức, tránh sự lãng phí thì trách nhiệm của cán bộ là phải kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn người dân tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, phải thay đổi thói quen tự tìm hiểu pháp luật cho người dân chứ không phải khi nào có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi bị xâm hại thì lúc đó người dân mới tìm đến TSPL” ông Lê Văn Hổ nói.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Xuân, việc xây dựng và quản lý TSPL cần được tiến hành đồng bộ, có đầu tư kinh phí bổ sung sách mới thay thế các đầu sách đã hết hiệu lực, đa dạng các loại hình, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao dân trí, tạo thói quen sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật của mỗi người dân. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của TSPL rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của TSPL ở cơ sở, để nó thật sự trở thành công cụ đắc lực cho cán bộ cơ sở và người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
PHONG NHÃ