Thứ Sáu, 11/10/2024 08:20 SA
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng
Thứ Ba, 08/11/2011 15:00 CH

Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên vừa tổ chức chương trình truyền thông nhóm nhỏ trực tiếp tại các gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD), trẻ em bị bạo lực. Chương trình đã giúp cho gia đình các em biết cách bảo vệ con em mình, trẻ em có kiến thức để đối phó những nguy hiểm.

 

cong-dong111108.jpg

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên tổ chức truyền thông nhóm nhỏ tại các gia đình ở Đông Hòa - Ảnh: T.THẢO

NHIỀU NGUY CƠ TRẺ BỊ XÂM HẠI

 

Hiện nay, tình trạng trẻ em bị bạo lực, đặc biệt, trẻ em bị XHTD là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật còn chung chung, dàn trải, sự giám sát bảo vệ trẻ em của phụ huynh còn hạn chế. Người chăm sóc, đỡ đầu trẻ thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý…

 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên, phần lớn các trường hợp gọi đến đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em bị XHTD đều chậm hơn rất nhiều so với thời điểm trẻ bị xâm hại, nên khó tìm chứng cứ. Lâu nay, các bậc phụ huynh chỉ chú ý phòng ngừa tình trạng này trong trường học, còn ngoài cộng đồng thì chưa chú ý đến. Thực tế, rất nhiều vụ XHTD do chính người trong gia đình gây ra, thậm chí là cha ruột. Khi trẻ bị XHTD dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản, rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với người xung quanh, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

 

Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên, cho biết: Số trẻ em bị bạo lực, bị XHTD trong cộng đồng khá nhiều, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ nhận thức còn hạn chế, bị đối tượng đe dọa nên không dám tố cáo. Điều đó vô tình đã tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục phạm pháp hoặc sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hầu hết các đối tượng vi phạm đều bị ảnh hưởng phim ảnh thiếu lành mạnh, thiếu hiểu biết, sống buông thả, coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do mải làm kinh tế, không có điều kiện trông nom con cái nên kẻ xấu có nhiều cơ hội để phạm tội... Truyền thông theo nhóm nhỏ, tư vấn theo các nhóm là một cách làm hay, cần được tiếp tục nhân rộng.

Để bảo vệ trẻ em tránh khỏi vấn nạn này có hiệu quả, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên đã tổ chức chương trình tư vấn nhóm nhỏ tại các gia đình có trẻ em rơi vào những hoàn cảnh đó. Chương trình hỗ trợ các trẻ em bị XHTD giúp các em phục hồi thể chất về tinh thần, tạo cơ hội cho các em học nghề, hoặc chuyển trường để các em tiếp tục đi học. Chương trình còn tư vấn cho gia đình các em biết cách phục hồi sức khỏe, tinh thần và tạo điều kiện để trẻ ổn định cuộc sống, mạnh dạn tố cáo hành vi của kẻ xâm hại, đặc biệt những đối tượng chính là người thân. Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên là cầu nối với các cơ quan công an, y tế, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, kịp thời khám, giám định mức độ tổn hại thân thể, tinh thần của trẻ; tách trẻ khỏi môi trường nguy hiểm nếu trẻ bị bạo lực, bị XHTD tại gia đình.

 

HIỆU QUẢ TỪ MỘT CHƯƠNG TRÌNH

 

Với phương châm “truyền thông đi trước, dịch vụ tiếp bước”, số lượng của các buổi tuyên truyền, tư vấn về công tác trẻ em, nhóm nhỏ ngày càng nhiều và càng thể hiện hiệu quả tích cực. Thông qua các nhóm, người dân được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái để khi sinh hoạt cộng đồng, họ trở thành những tuyên truyền viên.

 

Cháu N.T.T (huyện Tây Hòa), bị hàng xóm XHTD, cho biết: “Mấy lần ở xã tổ chức truyền thông, cháu không dám ra nghe vì sợ xấu hổ, tinh thần sẽ hỗn loạn. Nay nhờ có chương trình tư vấn nhóm nhỏ tại gia đình, cháu đã tự tin và ổn định tâm lý, có kỹ năng sống, dần phục hồi và hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Còn chị M.T.H (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Mải đi làm xa, khi nghe bà con làng xóm nói con gái bị bố ruột XHTD, tôi không dám tố cáo. Mãi đến khi nghe các cán bộ trực tiếp đến nhà tư vấn, tôi mới hiểu ra và mạnh dạn đưa đơn ra tòa. Hiện nay, con gái tôi đã đi học lại, những người phụ trách chương trình vẫn thường xuyên tới thăm, hỗ trợ nên tôi rất yên tâm”.

 

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung về tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị XHTD nhưng chủ yếu tuyên truyền vào những đợt cao điểm nên người dân rất chóng quên. Mặt khác, mỗi xã chỉ có một cán bộ làm công tác lao động, thương binh, xã hội hoặc cán bộ văn hóa kiêm nhiệm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em. Do vậy, công việc mà họ đảm trách trở nên quá tải, không đủ thời gian để nắm bắt thông tin, báo cáo, khi biết sự việc thì đã muộn nên ảnh hưởng đến việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ. Do đó, việc truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ cho các gia đình và nhóm trẻ em có nguy cơ, nói chuyện chuyên đề tại thôn xóm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền và bổn phận của trẻ em trong các buổi sinh hoạt hè, nhằm giúp cho các em hiểu rõ hơn về quyền và bổn phận của mình để ứng xử trong cuộc sống là cần thiết.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek