Con người nói riêng, vạn vật nói chung cần có nước để sống, tồn tại và phát triển. Người ta có thể nhịn ăn hàng tuần, thậm chí hàng tháng nhưng không thể nhịn uống quá một tuần. Điều đó cho thấy vai trò của nước quan trọng như thế nào đối với con người, nước được xem như một loại thực phẩm đặc biệt.
Nước sạch rất cần cho sự sống. Trong ảnh: Người dân xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) lấy nước phục vụ sinh hoạt - Ảnh: T.THỦY
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NƯỚC
Trong cơ thể người, nước chiếm 70-75% trọng lượng của cơ thể, nếu thiếu nước sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất dẫn đến khát nước, rối loạn thân nhiệt, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa dẫn đến ngộ độc và tử vong. Mỗi ngày, mỗi người cần ít nhất 1,5 lít nước để uống (nếu trời nóng, hay khi hoạt động thể lực nhiều thì cấn lượng nước nhiều hơn). Bên cạnh đó, nước còn sử dụng để tắm giặt, vệ sinh cá nhân, phục vụ sản xuất nông, công nghiệp… Có thể nói, con người không thể thiếu nước. Tuy nhiên, nước cũng có thể là môi trường cho các loại vi sinh vật, ký sinh trùng tồn tại và phát triển, trong nước có nhiều loại hợp chất, các nguyên tố có thể gây hại cho con người. Vì vậy, sử dụng nước sạch sẽ phòng được các bệnh về đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, giun, sán; các bệnh ngoài da, mắt, phụ khoa, răng miệng và nhiều bệnh khác.
Nước sạch là tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận, vì vậy mọi người dân phải có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch. Nước sạch là nước phải trong, không có màu, không có mùi vị, không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại khác. Theo đánh giá chung các nguồn nước an toàn là: nước máy, nước giếng khoan, nước mưa, nước giếng đào, nước hào lọc. Còn các nguồn nước không an toàn là nước ao hồ, đầm phá, nước giếng đất không xây thành bảo vệ, nước sông, nước mương. Ở Phú Yên, người dân chủ yếu sử dụng các nguồn nước như nước máy, nước giếng, nước mưa.
Trong mùa mưa bão, các nguồn nước thường bị nhiễm bẩn. Do lụt lội làm cho nguồn cung cấp nước bị thay đổi cả về tính chất lý hóa và sinh học của nước (nước bị đục, bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh do ngập lụt tràn vào các nguồn nước). Để có nước sạch sử dụng, tránh được sự lây nhiễm bệnh là điều quan tâm của tất cả mọi người, nhất là trong mùa mưa bão này.
CÁCH SỬ DỤNG NƯỚC AN TOÀN
Chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp sử dụng nước an toàn và cách xử lý nước bị ô nhiễm thành nước sạch trong điều kiện mưa bão:
Đun sôi: Nước uống phải được đun sôi. Đun sôi là một biện pháp làm sạch nước, có tác dụng diệt các mầm bệnh và loại bỏ một số chất khoáng trong nước (như canxi, magie).
Đánh phèn: Nếu thấy nguồn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt bị đục (do nước sông, nước lũ tràn vào…), phải làm trong nước bằng cách đánh phèn: Dùng 1gram (1 muỗng con) phèn tán nhỏ hòa tan vào một chén nước rồi đổ dần vào dụng cụ chứa nước (thể tích 20 lít), khuấy đều, để lắng, đợi nước trong và gạn lấy phần nước trong. Nước sau khi đánh phèn mặc dù đã trong nhưng cần phải khử trùng bằng Cloramin B, bằng cách cho 10g Cloramin B 25% khử trùng được khoảng 1m3 nước. Có thể dùng một số hóa chất khác như Clorua vôi 20% (13g/m3 nước), hoặc Clorua vôi 70% (4g/m3 nước).
Dùng bể lọc nước: Người dân thường làm bể lọc nước để làm trong và loại bỏ bớt sắt và một số kim loại nặng (như thạch tím) có trong nước lấy từ giếng khoan, giếng khơi… Cách làm bể như sau: kích thước của bể phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng nước của hộ gia đình, thường có kích thước 1m x 0,6m x 1m. Bể lọc thường có hai ngăn, ngăn lọc và ngăn chứa. Nếu để khử sắt thì lắp thêm hệ thống giàn mưa. Ngăn lọc lớp dưới cùng là gạch vỡ kích thước 5-7cm, tiếp theo là lớp cát vàng và trên cùng là lớp cát mịn, chiều dày mỗi lớp khoảng 15-20cm, có thể cho thêm lớp than củi dưới lớp cát vàng để hấp thụ mùi. Nước được đưa vào ngăn lọc, chảy qua các lớp lọc rồi sang bể chứa.
Thay giếng, khử trùng giếng: Khi giếng bị nước bẩn ngấm vào hoặc bị ngập lụt, nước sẫm màu, có mùi khác thường, chúng ta phải tát cạn, rửa sạch thành giếng, vét hết bùn ở đáy giếng rồi tiến hành khử trùng giếng bằng Cloramin B (10 gram Cloramin B 25% khử trùng được 1m3 nước ) có thể dùng Clorua vôi 20% (13 gram/m3 nước) hoặc Clorua vôi 70%(4gram/m3 nước). Cách làm như sau: Hòa tan hết lượng hóa chất nói trên vào một gàu nước. Tưới đều gàu nước vào giếng. Thả gàu cho chìm sâu rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước giếng này đội lên thành giếng để khử trùng khoảng 30 phút là nước trong có thể sử dụng được.
Các biện pháp làm sạch nước rất cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở vùng thường xuyên bị bão lụt như Phú Yên. Chúng tôi hy vọng mỗi người dân có thể chủ động chuẩn bị và có các biện pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng các nguồn nước bị nhiễm bẩn trong mùa mưa.
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung Tâm TTGDSK Phú Yên