Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay tình hình bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường. Riêng khu vực miền Trung, trong đó có Phú Yên sẽ chịu nhiều cơn bão có cường độ mạnh, có khả năng gây thiệt hại lớn. Xác định phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người lính trong thời bình, lực lượng vũ trang Phú Yên luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Lực lượng vũ trang tỉnh diễn tập cứu hộ cứu nạn trên sông Đà Rằng. - Ảnh: X.HIẾU
Từ trước khi cơn bão số một đổ bộ vào nước ta, Bộ CHQS tỉnh đã tổng kết nhiệm vụ PCLB - TKCN năm 2010, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2011. Theo đó, Phòng Hậu cần có kế hoạch bảo đảm hậu cần cho lực lượng cơ động TKCN của cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị thường trực, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đồng thời hướng dẫn cho cơ quan quân sự các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
Phòng Kỹ thuật đã tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác kỹ thuật cho các phương tiện cứu hộ cứu nạn; tổng hợp danh sách số nhân viên có bằng (giấy chứng nhận, chứng chỉ) lái xuồng, có kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ thuật lái trước mùa mưa bão. Đồng thời, để chủ động đối phó với bão lũ, các cơ quan, đơn vị tăng cường kíp trực tại sở chỉ huy các cấp, theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động phòng chống khi có tình huống. Kể từ đầu tháng 10, các đơn vị dừng giải quyết đi phép, đi tranh thủ cho những quân nhân có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, trừ những trường hợp đặc biệt. Các đơn vị: Trung đoàn Bộ binh 888, Trường Quân sự, bốn đại đội trực thuộc Phòng Tham mưu, Đội TKCN của Bộ Chỉ huy củng cố lực lượng ổn định biên chế, trang bị, vật chất và tổ chức luyện tập các phương án sẵn sàng cơ động khi có lệnh.
Đối với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố: củng cố lại thành phần lực lượng ở các cấp, gồm bộ đội thường trực, lực lượng dân quân, dự bị động viên và thanh niên xung kích sẵn sàng huy động kịp thời khi có tình huống. Cùng với tổ chức khảo sát lại các địa bàn trọng điểm lũ quét, ngập lụt, triều cường, trọng điểm ảnh hưởng bão, nhất là tập trung các vùng dễ bị cô lập khi có thiên tai, kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật toàn bộ các phương tiện ca nô và các trang bị cứu hộ cứu nạn theo biên chế, cơ quan quân sự các địa phương cũng đã triển khai công tác chuẩn bị các bến bãi hạ thủy, tập kết phương tiện cứu hộ, các vị trí bãi đáp máy bay trực thăng cứu hộ, các trục đường cơ động và kịp thời bổ sung kế hoạch sát với tình hình thực tế; kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương có kế hoạch huy động, sử dụng phát huy hết khả năng các trang bị, phương tiện ứng dụng truyền thống tại chỗ trong cứu hộ cứu nạn…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ (chủ yếu là lương khô, thịt hộp, mì tôm, nước uống và một số thức ăn cần thiết khác) cho lực lượng cơ động làm nhiệm vụ mỗi đợt từ 5-7 ngày; có biện pháp chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trạm xưởng, chống sập, chống dột, chống ẩm, khơi thông các máng nước, rãnh thoát nước…, bảo đảm an toàn cho người, vũ khí, trang bị, vật chất, khí tài và lương thực thực phẩm. Các đơn vị đóng quân trên địa bàn có mưa, không tổ chức hành quân đến điểm lũ quét, lao động và công tác lẻ… khi xét thấy không an toàn. Các đơn vị công tác lẻ bảo vệ công trình chiến đấu, khu hậu cứ, Đại đội Công binh 19 đóng quân ở vùng đồi núi chủ động đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chỉ huy các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đơn vị thuộc quyền triển khai thực hiện kế hoạch PCLB-TKCN của Bộ Chỉ huy; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thủ trưởng các cơ quan Bộ Chỉ huy, các thành viên Ban Chỉ huy TKCN thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện đúng chuyên ngành, lĩnh vực được phân công. Đội TKCN cơ quan Bộ Chỉ huy có kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang bị, lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cơ động khi có tình huống.
Song song với xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch PCLB-TKCN sát với thực tế; đơn vị còn kiện toàn Ban chỉ huy Cứu hộ - cứu nạn gồm 22 thành viên, Đội TKCN gồm 60 thành viên; tổ chức luyện tập các phương án cứu hộ, cứu nạn sát thực tế… Bộ CHQS tỉnh cũng đã cử một cán bộ chuyên trách tham gia tập huấn cứu hộ đường không do Quân chủng Phòng không không quân tổ chức. Về phương tiện phục vụ công tác PCLB -TKCN, Bộ Chỉ huy bảo đảm tối đa các phương tiện, gồm 18 ô tô con, bốn ô tô tải (hai xe chở quân và hai xe kéo xuồng), 23 xuồng cứu hộ các loại, một bộ vượt sông nhẹ VSN -1500 và nhiều phương tiện khác. Đặc biệt, năm nay Cơ quan Quân sự tỉnh thành lập hai sở Chỉ huy, gồm Sở Chỉ huy thường xuyên và Sở Chỉ huy cơ động; trong đó, Sở Chỉ huy thường xuyên đặt tại 01 Độc Lập (phường 6) và tại trụ sở Sở Chỉ huy PCLB - TKCN của tỉnh ở phía nam cầu Đà Rằng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Chỉ huy điều hành chung là đồng chí phó chỉ huy trưởng-tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh; đồng chí phó tham mưu trưởng phụ trách tác chiến thường trực Ban Chỉ huy; đồng chí phó tham mưu trưởng phụ trách xây dựng lực lượng làm đội trưởng và các đồng chí phó chủ nhiệm Chính trị, phó chủ nhiệm Hậu cần, phó chủ nhiệm Kỹ thuật làm đội phó Đội TKCN.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, cùng với chủ động phòng tránh, phát hiện kịp thời và xử lý có hiệu quả các sự cố, cần đề cao vai trò của chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp trong công tác PCLB; phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm “bốn tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Thượng tá ĐỖ QUỐC ĐẠT
Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh