Những năm gần đây, công tác phòng chống bão lụt đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và nặng nề của các ngành, các cấp ở huyện Đồng Xuân, nhất là mùa mưa lũ đến.
Mới đầu mùa mưa người dân huyện Đồng Xuân qua cầu trên sông Trà Bương phải trông chờ vào dịch vụ khiêng xe - Ảnh: L.TRÂM
Việc thường xuyên phải di dời dân cư vùng trũng thấp đến vùng cao để đảm bảo an toàn tính mạng người dân là nỗi lo thường trực của các địa phương. Nhưng khó khăn, vất vả hơn là đi lại. Hằng năm vào mùa mưa lũ, câu chuyện tắc đường như “đến hẹn lại lên” ở huyện miền núi này. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại cầu La Hai, cửa ngõ thị trấn huyện lỵ cũng như các cầu tràn khác nằm trên các tuyến đường liên tỉnh qua các xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và Xuân Phước đã trở thành nỗi ám ảnh người dân.
Mùa lũ năm 2010, người dân huyện Đồng Xuân hứng chịu hơn 10 cơn lũ dồn dập. Cầu tràn La Hai, cầu tràn sông Cô (thị trấn La Hai), cầu tràn sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3), cầu suối Tía (xã Xuân Phước) thường xuyên ngập sâu trong nước lũ. Riêng cầu tràn sông Cô, nước lũ dâng cao cô lập xã Xuân Sơn Bắc gần 20 ngày. Còn đối với cầu tràn sông Trà Bương, nơi nối liền xã Xuân Quang 3 với các xã Xuân Phước, Xuân Quang 1 và Phú Mỡ thì ách tắc giao thông liên tục cả tháng trời. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: “Mùa mưa năm ngoái cầu tràn sông Trà Bương có thời điểm gần nửa tháng ngập sâu trong nước, đi lại vô cùng trắc trở. Tuy nhiên nhờ có phương án chủ động phòng chống nên không gây thiệt hại về người và tài sản”.
Đáng ngại nhất là khi cầu tràn La Hai chìm trong nước lũ, người đi đường muốn vượt qua phải khiêng xe qua đường sắt rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Giáp ở xã Xuân Quang 3, nhớ lại: “Vào mùa mưa lũ năm trước, khi đến cầu này vào đêm tối, tôi phải nhờ người khiêng xe qua đường tàu rồi men theo bìa rừng, vất vả lắm mới đến được bên kia cầu”.
Theo thống kê của đội quản lý đường bộ ĐT 641, mỗi ngày hàng ngàn lượt người ra tham gia lưu thông trên tuyến đường này. Để giao thông đi lại thông suốt mùa mưa lũ, giải pháp hàng đầu là đầu tư nâng cấp các cây cầu tràn. Tháng 3/2011, Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên triển khai xây dựng cầu sông Cô. Cầu dài 48m, rộng 9m được thiết kế theo dạng cầu tràn; phần đường dẫn hai bên cầu với chiều dài hơn 2km được bê tông hóa; kinh phí đầu tư gần 11,5 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2012. Cầu mới cao hơn cầu cũ 2m nên khi hoàn thành sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập nước, gây chia cắt, biến xã Xuân Sơn Bắc thành “ốc đảo”. Tương tự, cầu sông Trà Bương cũng đang triển khai xây dựng; tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công chậm và còn phải chịu cảnh “ngập lụt” sẽ kéo dài.
Năm 2011 được dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Những ngày mưa đầu mùa vừa qua, tại các cầu tràn nói trên đã tái diễn tình trạng ách tắc giao thông. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Đối với cầu tràn La Hai, để giải quyết ách tắc giao thông mùa mưa lũ, giải pháp là xây dựng cầu vượt. Nhưng qua khảo sát thì kinh phí đầu tư quá lớn, huyện đang đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí”. Thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần có những quan tâm đầu tư xây dựng cầu vượt La Hai đảm bảo “mạch máu” giao thông của huyện Đồng Xuân an toàn trong mọi tình huống.
LÊ TRÂM