Thứ Sáu, 04/10/2024 22:33 CH
Nhà sàn truyền thống cần được lưu giữ
Thứ Bảy, 01/10/2011 15:00 CH

Nhà sàn truyền thống cùng tiếng cồng chiêng, điệu múa dập dìu và những ché rượu cần thơm phức… làm nên nét văn hóa độc đáo các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không được bảo vệ, nơi sinh hoạt văn hóa ấy sẽ dần mai một.

 

nha-san111001.jpg

Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Chà Rang. - Ảnh: Q.HÙNG

Những năm gần đây, nông sản được mùa, được giá, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa có nhiều đổi thay. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình xây được nhà kiên cố, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp… Không ít hộ đã tháo dỡ nhà sàn truyền thống, một bản sắc văn hóa nghìn đời của đồng bào dân tộc thiểu số để xây nhà ngói. Già làng Y Tuyến ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang chia sẻ: “Trước đây, tất cả dân làng đều sinh sống trên nhà sàn. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã phá bỏ nhà sàn để xây nhà ngói. Hiện toàn buôn có hơn 700 hộ, chỉ còn khoảng 70% lưu giữ nhà sàn truyền thống”.

 

Theo các già làng, vật liệu dùng làm nhà sàn thường bằng gỗ lim, trắc, càte... vì các loại gỗ này có tuổi thọ rất cao (từ 50 - 60 năm). Nhà được xây dựng cách mặt đất trên 1m, gầm nhà có kết cấu vững chắc đề phòng thú dữ. Chân trụ được đẽo tròn hoặc vuông, buộc bằng dây rừng vào sàn nhà chứ không đóng đinh như ngày nay. Vách được làm vỏ cây hoặc bằng gỗ xẻ ghép lại với nhau, mái lợp bằng tranh, sàn nhà làm bằng cây mò o hoặc ván gỗ. Mỗi gian đều có những chức năng riêng, gian trước là nơi đặt bàn thờ, làm lễ cưới hỏi, tiếp khách. Các gian phụ để ở và sinh hoạt, chứa thóc lúa, quần áo và vật dụng gia đình… Nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, mang nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, muốn dựng mới một ngôi nhà sàn phải cần một lượng gỗ từ 5 - 10m3 nên hiện rất khó thực hiện.  

 

 Anh Kpá Thanh Soan người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Chà Rang, còn lưu giữ ngôi nhà sàn do cha mẹ để lại cho biết: “Ngày nay, muốn mua gỗ để làm một nhà sàn ưng ý phải tốn hơn trăm triệu đồng. Vì vậy, gia đình nào có kinh tế tương đối khá mới dựng được nhà sàn”. Nhiều hộ gia đình quan niệm, do đất đai khan hiếm nên phải định cư làm ăn lâu dài, vì vậy phải xây nhà kiên cố để lại cho con cháu sau này. Trước nguy cơ mất dần những ngôi nhà sàn truyền thống, niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số, già làng Y Tuyến tâm sự: “Thấy bà con dỡ bỏ nhà sàn, cái bụng mình buồn lắm nhưng không biết làm sao. Cứ như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa con cháu của người Ê Đê, Chăm H’ Roi, Ba Na sẽ không còn được nhìn thấy ngôi nhà sàn gắn bó với đồng bào nghìn đời nay nữa”.

 

Ông Nay Y BLung, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa cho biết: “Nhà sàn còn là tâm linh của người đồng bào dân tộc thiếu số. Tuy nhiên, muốn lưu giữ nhà sàn không phải là chuyện đơn giản, vì gỗ ngày càng hiếm. Chính quyền địa phương chỉ còn cách vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc. Những gia đình có điều kiện nên xây nhà theo kiểu truyền thống, nhằm tôn vinh, lưu truyền văn hóa nhà sàn cho con cháu sau này”.

 

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek