Thứ Ba, 26/11/2024 22:38 CH
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy:
An toàn để phát triển bền vững
Thứ Tư, 07/09/2011 14:00 CH

Để góp phần đưa Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đi vào cuộc sống, 10 năm qua Công an tỉnh Phú Yên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 10 chỉ thị, 5 kế hoạch, 25 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật PCCC; đồng thời ra 48 văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động PCCC; công tác tuyên truyền phổ biến Luật PCCC được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức.

 

dien-tap-PC110907.jpg

Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an Phú Yên tổ chức hội thi nâng cao nghiệp vụ chữa cháy trong các đơn vị cơ sở có nguy cơ cháy nổ - Ảnh: X.H

NGUY CƠ MẤT AN TOÀN CÒN CAO

 

Hiện nay, nguy cơ cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, công tác đảm bảo an toàn về cháy nổ còn nhiều bất cập. Do yêu cầu phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, một số cơ sở đơn vị cần cải tạo mặt bằng, bố trí lại sản xuất nhưng không tuân thủ các quy phạm về PCCC, làm thay đổi cấu trúc công trình, cản trở lối thoát nạn, đường đi dành cho xe chữa cháy, để kho chứa hàng hóa gần nơi thường xuyên phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí sát khu dân cư, tạo nên những nguy cơ cháy lan, cháy lớn.

 

Vụ cháy xảy ra ngày 14/12/2009 tại xưởng sản xuất kính hoa thuộc Công ty TNHH công nghiệp SEMCO - Phú Yên, thiệt hại lớn. Vụ cháy xảy ra ngày 18/6/2011 tại kho chứa thuốc tân dược của Công ty cổ phần PYMEPHARCO gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do con người sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt và do không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định an toàn PCCC trong quá trình sản xuất. Nhiều vụ cháy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, môi trường và chính sách đầu tư nước ngoài vào tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, một số người đứng đầu cơ sở thiếu sự quan tâm, chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Công tác kiểm tra không được tiến hành thường xuyên, thậm chí có doanh nghiệp quan niệm đã mua bảo hiểm rồi thì khi có cháy đã có cơ quan bảo hiểm đền bù, nên lơ là trong việc PCCC, khi xảy ra cháy không có sự tác động tích cực. Ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, còn có tư tưởng chủ quan, ỷ lại cho rằng việc PCCC là của chính quyền địa phương và của ngành Công an mà không thấy hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Việc tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ ở nhiều cơ sở, phường, xã còn lỏng lẻo, trang bị phương tiện chữa cháy không đầy đủ và kém hiệu quả; người lao động không được huấn luyện về PCCC nên có những trường hợp khi xảy cháy không xử lý được… Công tác quy hoạch xây dựng ở hầu hết các đô thị thiếu đồng bộ. Nhiều cơ sở sản xuất có nhiều nguy hiểm cháy nổ cao còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư tập trung. Những mái vẩy, lồng sắt, đường dây điện, công trình phụ trợ được cơi nới tự do, chỗ ở chật chội, có nhiều nơi chỗ ở đồng thời là nơi sản xuất, gia công, trữ chứa hàng hóa dễ cháy như xăng, keo, chất dẻo... tạo môi trường rất nguy hiểm. Trong khi đó, chiến sĩ chữa cháy và lái xe chữa cháy không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu cả tính chuyên nghiệp; phương tiện chữa cháy thiếu thốn, lạc hậu; các phương tiện, dụng cụ cứu hộ hầu như chưa có, nhất là khi phải xử lý các tình huống cháy nổ trên các công trình cao tầng, trên sông biển, các công trình xăng dầu, dầu khí...

 

NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

 

Công tác PCCC hiện nay cần phải được quan tâm và chú ý nhiều hơn nữa cả về mặt tổ chức và đầu tư vật chất kỹ thuật. Trong đó, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có ý nghĩa then chốt, quyết định và được thể hiện bằng những nhiệm vụ, biện pháp cụ thể. Đó là chủ động đề ra, tổ chức thực hiện đầy đủ những quy định an toàn PCCC trong phạm vi trách nhiệm của mình, đồng thời tiến hành kiểm tra phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC và những vi phạm tiêu chuẩn, quy định an toàn phòng cháy, phòng nổ nhằm loại trừ mọi nguy cơ gây cháy. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kiến thức PCCC cho mọi người trong phạm vi quản lý của mình, nhất là những đối tượng tham gia hoạt động trên các lĩnh vực có nhiều nguy cơ cháy, nổ. Phong trào quần chúng PCCC cần được phát động rộng rãi ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các khu dân cư; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác PCCC; khắc phục nhanh chóng những khó khăn, bấp cập trong việc PCCC, như tạo khoảng cách an toàn chống cháy lan, giải quyết các vấn đề về điều kiện PCCC như giao thông, nguồn nước chữa cháy, trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt chú ý đến các khu dân cư tập trung, chợ, trung tâm thương mại... Lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành cần xây dựng để trở thành lực lượng nòng cốt trong việc PCCC ở cơ sở, được huấn luyện thường xuyên, có đủ phương tiện chữa cháy phù hợp để khi có cháy xảy ra xử lý kịp thời. Nguyên tắc đã được nêu trong Luật PCCC: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ” cần thực hiện đúng.

  

Thượng tá NGUYỄN TRỌNG

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek